Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau ba năm thực hiện chính sách xây dựng nhà ở xã hội, chỉ có một phần ba dự án nhà ở xã hội đăng ký được khởi công xây dựng và một phần mười số dự án được hoàn thành, với hơn 150 nghìn m2 sàn, tương đương 3.400 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho 13 nghìn người (chỉ đạt 5% chỉ tiêu đề ra). Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội, cũng như tại các thành phố khác trên cả nước, hiện rơi vào tình trạng khó khăn, do các chủ đầu tư không tự giác chấp hành quy định dành 20% diện tích đất trong các dự án để xây dựng loại hình nhà này. Quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại Hà Nội rất thấp so với yêu cầu. Hiện tại, Hà Nội chỉ có 21 trong số 119 dự án đang triển khai có dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, chỉ bằng 2,3% diện tích đất ở. Thậm chí, có hiện tượng nhà đầu tư chia nhỏ dự án để thực hiện, cốt để không phải thực hiện quy định dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Lý do mà các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết là dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội là do vấn đề lợi nhuận. Các nhà đầu tư thường chú trọng triển khai các dự án nhà ở thương mại, vì loại này dễ bán, thời gian thu hồi vốn ngắn. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ vốn, hỗ trợ thuế đất hay các chính sách khuyến khích khác của thành phố dành cho các chủ đầu tư còn "mờ nhạt".
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015 là khoảng 10 triệu m2 sàn. Như vậy, trung bình mỗi năm thành phố cần xây dựng khoảng hai triệu m2 sàn. Tuy nhiên, rất khó có thể thực hiện được mục tiêu này do rất nhiều lý do, vì phần lớn các nhà đầu tư hiện rơi vào tình trạng khó khăn về vốn. Chính vì vậy, thành phố phải điều chỉnh kế hoạch xây nhà ở xã hội. Theo kế hoạch mới, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 thành phố đặt mục tiêu xây dựng khoảng 4,7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, bình quân mỗi năm xây dựng khoảng 940 nghìn m2 sàn.
Dù chỉ tiêu đã giảm đi một nửa so kế hoạch trước đây, nhưng để đạt mục tiêu này đòi hỏi các ngành chức năng, các doanh nghiệp của thành phố cần nỗ lực rất nhiều. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngành, doanh nghiệp của thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động đề xuất dự án, mô hình, cơ chế thực hiện dự án nhà ở cho thuê, thuê mua, cho các đối tượng chính sách xã hội. Ðể đạt được mục tiêu của Chiến lược nhà ở quốc gia, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chuyên môn còn cần cả cái "tâm" của các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ ban hành cơ chế, chính sách để thu hút, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư đối với lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội. Ðồng thời, thành phố sẽ ban hành những phương thức, mô hình, quản lý hiệu quả để khắc phục những bất cập hiện nay, làm sao vừa thực hiện được diện tích, số lượng nhà ở cần xây dựng, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng nhà. Muốn như vậy, tới đây, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư sẽ được tính rất kỹ, thậm chí sẽ hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng tại các dự án dành cho người thu nhập thấp. Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ người thu nhập thấp về phương thức thanh toán tiền mua nhà, có thể cho phép người mua trả chậm, trả góp phù hợp với khả năng thanh toán của họ, tránh tình trạng nhà thu nhập thấp xây xong, nhưng không đến tay người thu nhập thấp có nhu cầu thật sự về nhà ở như hiện nay.