Nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên việc người dân thu nhập thấp mua được một căn hộ nhà ở xã hội ở không hề đơn giản.

Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư là dự án đầu tiên của Hà Nội hoàn thành, việc cấp sổ đỏ cho hơn 400 hộ dân ngay sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng. Ảnh: Minh Nghĩa - TTXVN

Với mục tiêu cao nhất tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội có điều kiện sở hữu nhà ở, sau 9 năm triển khai, Chương trình phát triển nhà ở xã hội đã đem lại những hiệu quả quan trọng.

Nguồn vốn Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng không hề nhỏ nhằm thực thi chính sách - một khoản đầu tư an sinh xã hội hữu ích nhất đối với người dân.

Tuy vậy, với chừng đó thời gian và tiền bạc, Chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội vẫn như "một chiếc bánh chưa tròn" với những góc khuyết đáng tiếc mà nguyên nhân gây nên chủ yếu từ chính sách khiến cho nhiều đối tượng đến thời điểm này đành bỏ ngỏ ước mơ về một nơi an cư.

Giải quyết một phần nhu cầu về nhà ở đô thị

Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến hết năm 2016, trên địa bàn Thủ đô có 37 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, cung cấp khoảng 1,37 triệu m2 sàn nhà ở phục vụ cho các đối tượng được hưởng chính sách. Thành phố đang tiếp tục triển khai 48 dự án nhà ở xã hội (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020) với gần 3,4 triệu m2 sàn; trong đó có 4 khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm) và Ngọc Hồi (Thanh Trì).

Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, song đến nay trên địa bàn Hà Nội thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp mới phần nào đáp ứng được nhu cầu, giải quyết được chỗ ở cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, với những dự án gần trung tâm đô thị, khách hàng phải rất vất vả, bốc thăm chờ may rủi mới có thể mua được 1 căn hộ để an cư. Trong khi đó, có những dự án quy mô lớn nhưng do vị trí không phù hợp, không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, nên nhiều tháng nay ở trong tình trạng “ế hàng” hoặc chưa dám triển khai xây dựng.

Còn đối với các dự án phục vụ nhóm đối tượng khác hiệu quả không như mong đợi. Đơn cử như dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), số lượng sinh viên vào ở tại 3 toà nhà đã hoàn thành chỉ đạt tỷ lệ 30% với khoảng 400 phòng. Tương tự, dự án thí điểm nhà ở phục vụ công nhân lao động Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng đang còn trống hơn 3.000 chỗ…

Người nghèo chưa thực sự được hưởng lợi

Nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên việc người dân thu nhập thấp mua được một căn hộ nhà ở xã hội ở không hề đơn giản. Ngay cả khi đã mua được nhà, việc huy động nguồn tài chính để nộp tiền nhà lại càng thêm khó khăn. Nhiều người dân lao động vẫn đau đáu ngóng đợi nguồn vốn ưu đãi khi gói 30 nghìn tỷ đồng đã kết thúc.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội cũng như các địa phương khác vẫn chưa có dư nợ tín dụng về nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành các quyết định về lãi suất ưu đãi 4,8%/năm đối với loại nhà ở này.

Có thể thấy, chính sách ban hành nhanh nhưng ngân sách lại bố trí chậm đã khiến người mua nhà trong thời gian qua phải trả lãi suất cao và tiếp tục phải đối mặt lãi suất thả nổi ở các năm tiếp theo.

Anh Lương Trung Thành, nhân viên lái xe chia sẻ, anh đã rất vui mừng vì được biết lại có chương trình cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp nối gói 30 nghìn tỷ.

Nhưng gần một năm nay, khi quyết định mua căn hộ 57 m2 tại một dự án ở quận Hoàng Mai và đã đến đợt nộp tiền thứ 3, anh Thành cũng như nhiều người mua nhà ở xã hội buộc phải vay vốn theo lãi suất thương mại, từ 8 đến 8,8%/năm trong 1- 2 năm đầu, sau đó lãi suất trên 10%/năm. Theo anh Thành, gói vay này đối với thu nhập của 2 vợ chồng anh là quá cao.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, dự kiến năm nay nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện tốt chương trình này, ngân hàng đang thực hiện các giải pháp về nghiệp vụ, tập huấn triển khai. Đồng thời phối hợp với chính quyền các cấp để giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng và nhanh nhất.

Có vướng về thủ tục chuyển nhượng?

Liên quan đến những quy định về nhà ở xã hội, một vấn đề băn khoăn nữa đối với người dân hiện nay là thủ tục chuyển nhượng nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm, đặc biệt là phần thuế sử dụng đất phải nộp vẫn chưa được hiểu rõ ràng.

Anh Tuấn Anh, cư dân tòa nhà NO11 thuộc dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) cho biết, anh hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư và nhận bàn giao căn hộ vào tháng 9/2013. Sau 1 năm, anh được nhận “sổ đỏ”.

Do không còn nhu cầu, vợ chồng anh muốn sang nhượng lại căn hộ khi đã đủ điều kiện. Tuy nhiên, để có thể chuyển nhượng được thì phải đóng thuế sử dụng đất theo quy định, song tiền thuế này được thực hiện như thế nào, vẫn chưa rõ", anh Tuấn Anh thắc mắc.

Cùng chung hoàn cảnh như anh Tuấn Anh, chị Thu Hồng, một cư dân cùng tòa nhà NO11 này cũng trong tâm trạng thấp thỏm trước những thông tin chưa có biểu giá tính thuế cho nhà ở xã hội của Bộ Tài chính.

“Tôi đã tìm được căn hộ mới ưng ý, còn căn hộ đang ở cũng có người muốn mua. Nhưng vì chưa rõ về thủ tục sang nhượng, mức thuế như thế nào nên đang tạm dừng giao dịch”, chị Hồng chia sẻ.

Để làm rõ những thắc mắc của người dân về quy định chuyển nhượng nhà ở xã hội, đại diện phòng chức năng Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, căn cứ Khoản 4 Điều 19 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người mua - thuê nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp vay ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được phép chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời gian trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng khác có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà ở chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó.

Bởi các dự án nhà ở xã hội đã được Nhà nước ưu đãi miễn tiền sử dụng đất. Do vậy, khi không có nhu cầu ở và muốn chuyển nhượng, người dân phải nộp thêm tiền sử dụng đất hoặc trả lại nhà cho chủ đầu tư để bán cho người khác.

Trao đổi với lãnh đạo Văn Phòng Đăng ký Đất Đai Hà Nội được biết, thời gian qua, cơ quan này đã thực hiện nhiều trường hợp chuyển nhượng ‘sổ đỏ” nhà ở xã hội khi đã đủ điều kiện theo quy định và không có vướng mắc gì.

Cụ thể là 2 dự án trên địa bàn quận Hà Đông (gồm chung cư CT1 – Ngô Thì Nhậm và chung cư 19T3 Khu đô thị Kiến Hưng). Theo đó, Chi cục Thuế quận Hà Đông đã áp dụng cách tính thuế theo đúng Thông tư 139/2016 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, cơ quan thuế này cũng cho biết, hiện nay việc xác định hệ số phân bổ căn hộ để xác định tiền sử dụng đất của mỗi dự án có khác nhau và cũng phức tạp, do vậy các chủ đầu tư phải căn cứ vào quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng để sớm hoàn thiện các vấn đề liên quan nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu mua, bán nhà ở xã hội.

Minh Nghĩa (Bnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.