Nhà ở xã hội hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu của người dân. Nhưng thời gian gần đây, giá nhà xã hội luôn giữ ở mức cao và có chiều hướng tăng, thậm chí nhiều dự án giá đắt gần với nhà thương mại.
Nếu cứ đà tăng giá này thì người có thu nhập thấp rất khó mua được nhà. Thực tế này đang đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để tạo ra nguồn cung nhà ở có giá rẻ, đáp ứng yêu cầu bức thiết về nhà ở hiện nay.
Giá nhà ở xã hội đang ngày càng cao lên, không phù hợp với người thu nhập thấp, người nghèo. (Ảnh minh họa: KT)
Tìm hiểu và đăng ký mua nhà tại dự án nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều người rất bất ngờ khi giá mỗi mét vuông căn hộ tại dự án này dao động từ 14,5 đến gần 17 triệu đồng, chưa bao gồm VAT và phí bảo trì. Một người mua nhà cho biết, sau khi bốc thăm, chị được mua một căn hộ ở tầng 18, giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ có diện tích khoảng 60m2 có giá hơn 1 tỷ đồng.
Những dự án nhà ở xã hội khác như dự án ở Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, giá cũng hơn 15 triệu đồng/m2 khi có VAT và phí bảo trì. Năm ngoái, dự án nhà ở xã hội 622 Minh Khai, Hai Bà Trung cũng mở bán với mức giá gần 15 triệu đồng/m2… Một dự án nhà ở xã hội tại Kiến Hưng, Hà Đông có giá bán hơn 13 triệu đồng/m2, sau đó chủ đầu tư đã tự giảm xuống còn hơn 12 triệu đồng/m2 vì cùng khu vực đó, một số dự án nhà thương mại nhưng bán giá rẻ hơn cả nhà xã hội…
Chị Nguyễn Mỹ Duyên chia sẻ, gia đình mỏi mòn tìm một căn nhà ở xã hội tại Hà Nội đã hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể mua được do giá cao, chương trình hỗ trợ vay vốn thì chưa triển khai.
“Tôi đang muốn mua nhà ở xã hội, nhưng qua tìm hiểu tôi thấy giá loại nhà này khá cao so với mức thu nhập của người thu nhập thấp. Trước đây, tôi thấy chỉ tầm 10 đến 12 triệu một m2, có dự án dưới 10 triệu/m2, nhưng bây giờ dự án nào cũng phải tầm 14 đến 15 triệu một m2, có khi còn cao hơn”, chị Duyên chia sẻ.
Một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giá nhà ở xã hội do chủ đầu tư tự xây dựng dựa trên tính toán chi phí thực tế, sau đó các cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại. Nếu giá thẩm định thấp hơn giá tạm tính thì chủ đầu tư phải trả lại tiền cho người dân, nhưng nếu giá thẩm định cao hơn, thì người dân được mua với giá tạm tính của chủ đầu tư.
Vì thế, các chủ đầu tư cứ tính giá cao do giá càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Lợi nhuận tối đa được khống chế là 10%, nên rõ ràng nếu bán giá 15 triệu đồng/m2 thì lợi nhuận sẽ cao hơn bán giá 10 triệu đồng/m2.
Giá nhà ở xã hội đang ngày càng cao lên, không phù hợp với người thu nhập thấp, người nghèo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng giá, như nhà ở xã hội được giới hạn diện tích từ 25 đến 70m2/căn, nhưng đa số các chủ đầu tư làm diện tích từ 45-70m2.
Giá nhà cấu thành bởi nhiều yếu tố như địa điểm, môi trường, hạ tầng xung quanh, thiết kế, vật liệu xây dựng… Nếu dự án nằm trong khu vực nền đất yếu phải đóng cọc sâu, xử lý tốn kém thì giá lại phải tăng lên. Nếu làm nhà ở xã hội 5 – 6 tầng, đi cầu thang bộ thì giá phải thấp hơn nhiều so với làm cao tầng, đi thang máy, có vườn hoa cây xanh, thậm chí có trung tâm thương mại, tầng hầm, nội thất chất lượng cao…
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, cơ chế hiện nay là giá nhà do các chủ đầu tư phải tính toán để trình phê duyệt, nên phải xin và cho, như thế sẽ không tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng loại nhà giá rẻ, diện tích nhỏ cho người nghèo theo cơ chế cạnh tranh, không miễn bất cứ khoản thuế nào cho chủ đầu tư. Tiền thuế thu được, Nhà nước sẽ chuyển sang một quỹ dành riêng cho người mua nhà được vay với lãi suất thấp trong thời gian dài, thậm chí năm đầu có thể là 0%, những năm sau từ 1-2%.
“Rất khó kiểm soát việc xin – cho. Hiện là cơ chế 2 giá, thứ nhất giá nhà ở xã hội do nhà nước duyệt, thứ 2 là giá thương mại nhưng nhiều dự án nhà xã hội giá không rẻ hơn so với nhà thương mại giá rẻ ngay bên cạnh. Nhà nước nên chuyển sang cách làm mới, không có cơ chế xin - cho mà để thị trường tự cạnh tranh. Toàn bộ tiền miễn thuế, miễn tiền sử dụng đất… để hỗ trợ cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội thực sự, không phải hỗ trợ cho bên bán nhà”, ông Hùng nêu rõ.
“Nhà thương mại buộc phải có diện tích trên 40m2, còn nhà xã hội thì được 25 m2. Doanh nghiệp có thể tham gia làm nhà giá rẻ cho người lao động cũng cần được hưởng làm loại nhà 25m2 như nhà ở xã hội. Doanh nghiệp không đăng ký là nhà ở xã hội mà bán tự do cho người dân thì cũng là sản phẩm cho xã hội. Tôi cho rằng Nhà nước nên xóa bỏ sự bất hợp lý đó”, ông Đực cho biết.
Rõ ràng, nhà ở xã hội mà giá cao thì không phù hợp với người thu nhập thấp, người nghèo. Nếu cứ giữ cách làm như hiện nay, chương trình phát triển nhà ở không những chưa nhắm trúng đối tượng ưu tiên mà còn không tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư bất động sản.