22/07/2011 12:40 AM
Chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đánh giá khá thiết thực, nhưng thực tế, qua 2 năm thực hiện, các chủ đầu tư rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, dẫn đến thực trạng nhiều dự án nhà ở xã hội đã đăng ký đầu tư xây dựng nhưng buộc phải đình hoãn.
Nhà ở xã hội : Chờ phương án gỡ vốn

Nhiều dự án mới chỉ xây dựng được phần móng hay phần xây thô, thì phải tạm dừng... chờ vốn

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản VN, trong tổng số 300 dự án đăng ký xây dựng nhà thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, hiện mới có 5 dự án được vay vốn để thực hiện công trình với tổng vốn 740,3 tỉ đồng. Hơn nữa, nguồn vốn giải ngân còn quá ít so với vốn mà các chủ đầu tư đã thực hiện.


Khó khăn trong cơ chế vay


Đại diện lãnh đạo Tập đoàn phát triển nhà và đô thị VN (HUD), ông Nguyễn Đăng Nam cho biết, hiện tại tập đoàn đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 400.000 m2, tại các khu Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh) và Đặng Xá (Gia Lâm) tại Hà Nội, phường Phú Sơn, Thanh Hóa... nhưng HUD đang phải đối mặt với khả năng thu xếp nguồn vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ. nguyên nhân khiến chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển VN (VDB) là không có tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo để vay, vướng các quy định về thủ tục pháp lý, quy định về tính tiền sử dụng đất đối với diện tích công cộng mà chủ đầu tư giữ lại để tổ chức kinh doanh phục vụ hoạt động của tòa nhà, các yếu tố này làm ảnh hưởng đến giá thành nhà thu nhập thấp.


TCty Viglacera cũng gặp khó khăn tương tự. Hiện trên văn bản giấy tờ, Viglacera được vay 391,3 tỉ đồng từ VDB, thế nhưng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc TCty Viglacera, do thành phố không chấp nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án nhà thu nhập thấp nên các chủ đầu tư không có tài sản thế chấp ngân hàng. Vì vậy, trên thực tế, Viglacera mới chỉ nhận được từ VDB hơn 10 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị đầu tư cho mỗi tòa nhà mà Cty đảm nhận là trên 200 tỉ đồng.


Chỉ với 10 tỉ đồng nhận được từ ngân hàng như hiện nay, ông Tuấn cho biết: “chúng tôi đã rất “thắt lưng buộc bụng” trong chế độ chính sách đối với CBCNV trong Cty để làm sao vẫn đảm bảo chất lượng công trình như đã ký kết. Nhưng bên cạnh đó, còn một số dự án nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Đông Anh đã được lập nhưng chưa có vốn để khởi công. Trong số các dự án do Viglacera làm chủ đầu tư như, Xuân Phương, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Từ Liêm tại Hà Nội có những dự án mới xây dựng được phần móng hay phần xây thô, thì phải tạm dừng... chờ vốn...


Hai phương án đang... trình


Nhiều chủ đầu tư không thể lấy đất dự án làm tài sản thế chấp do địa phương không chấp nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án nhà thu nhập thấp.

Để gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội hiện nay là một vấn đề nan giải đối các chủ đầu tư. Trước thực tế này, ông Nguyễn Đăng Nam- Tổng giám đốc Tập đoàn HUD có đề xuất, xin được áp dụng quy định thế chấp bằng dự án hình thành trong tương lai để tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn ưu đãi và quỹ đất. Đồng thời, cũng đề nghị các ngân hàng áp dụng cơ chế tín dụng hai chiều để tạo thuận lợi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà vay vốn. Khi ngân hàng cho chủ đầu tư vay vốn, khách hàng của dự án phải nộp tiền mua nhà qua ngân hàng đó để kiểm soát việc sử dụng vốn, đồng thời giúp khách tín chấp vay tiền mua nhà bằng chính căn hộ đó.

Được biết, hiện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ xây dựng đang trình Chính phủ 2 phương án giải quyết vốn cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Đối với phương án thứ nhất, các ngân hàng thương mại được ủy thác sẽ huy động nguồn vốn bổ sung, kết hợp với nguồn vốn tự có của chủ đầu tư dự án dự kiến tối thiểu bằng 15% tổng mức đầu tư dự án, tương đương 1.300 tỉ đồng và vốn do các ngân hàng thương mại huy động khoảng 7.600 tỉ đồng. Đồng thời, Chính phủ sẽ hỗ trợ bù lãi suất 4% đối với các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp trong thời gian 2 năm từ Quỹ dự trữ ngoại tệ của quốc gia với số tiền khoảng 717 tỉ đồng. Phương án này được các chủ đầu tư hết sức ủng hộ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong hoàn cảnh “eo hẹp” vốn hiện nay, thì việc bù lãi suất 4% từ Quỹ dự trữ ngoại tệ của quốc gia sẽ là khó khả thi.


Phương án 2 được coi là khả thi hơn khi dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp được vay vốn theo phương thức cấp phép tín dụng có hoàn trả với thời hạn cho vay và trả nợ tối đa 10 năm. Riêng đối với các dự án đầu tư xây dựng dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, sinh viên thuê được áp dụng thời gian vay tối đa 15 năm, thời hạn cho vay từng dự án được các ngân hàng thương mại và hội đồng quản lý quyết định.
Theo Mai Thanh (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.