27/11/2012 8:25 PM
Kỳ II: Giã từ nhà cấp 4 - Bao giờ?
Đi dọc từ Đông Triều lên đến Mông Dương, cả một dải dài đều là những công trường khai mỏ rầm rộ và hàng trăm ngàn công nhân mỏ sinh sống. Mỗi nơi có một sự quan tâm, đầu tư khác nhau. Một số căn hộ tập thể cấp 4 thì đã được thanh lý và người dân chủ động đập đi xây lại, còn phần đa những người thợ mỏ đều ở nhà chung.


Nhiều thế hệ công nhân than sống trong các khu tập thể ọp oẹp như thế này

Nhà cấp 4, phù hợp với ai?

Trao đổi với chúng tôi trong căn nhà cấp 4, ông Nguyễn Văn Mấn, 74 tuổi, trú tại tổ 10, khu 5, P.Hà Tu, TP Hạ Long cho biết, cả cuộc đời ông đi theo ngành than, lúc về hưu cũng được một căn tập thể chưa đầy 40m2. Nhà ở lâu quá, dột liên tục, nhưng vì có khoảng không nên sau khi thanh lý nhà hợp lệ, gia đình ông đã tiến hành xây dựng lại nên bây giờ đã có nhà cấp I để ở. Ông Mấn kể, làm công nhân của Cty Than Hà Tu cơ cực lắm, nếu tích cóp được thì còn đỡ, nhưng anh nào mà “chơi bời” thì chỉ lĩnh lương là hết tiền. Cũng theo ông Mấn, hầu hết hàng xóm của ông đều là người dân đến từ Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… ra đây làm công nhân từ những năm 60 của thế kỷ trước rồi. Về hưu, một số thì về quê, còn đa phần là sống lại đất này, nơi có những kỷ niệm của những năm tháng làm việc. Nhiều người cũng đã “khuất núi, lên non” thì đều được an nghỉ ở nghĩa trang địa phương…

Đến khu tập thể của Cty TNHH MTV Than Hồng Thái nằm rải rác ở một số nơi trên địa bàn TX Uông Bí. Theo một số công nhân đang sinh sống ở đây cho biết công nhân ở đây toàn ở nhà cấp 4, không có tập thể “hiện đại” nên là khá nóng về mùa hè, lạnh cóng về mùa đông. Mấy người chung một phòng, đi làm theo ca. Chẳng biết vừa rồi lại có một vài dãy nhà được trưng dụng làm phòng làm việc, anh em lại tiếp tục dồn phòng để lấy nơi làm việc. Nói thật, cuộc sống ở nhà cấp 4 chỉ hợp với hộ gia đình muốn thanh lý nhà sau này, chứ còn anh em công nhân chỉ thích ở nhà tầng, đi làm và sinh hoạt tiện lợi hơn rất nhiều. Mơ ước của anh em là có một khu nhà tầng hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nước nóng… để sau mỗi giờ tan ca, anh em được tắm rửa, ngủ nghỉ yên tĩnh để đảm bảo sức khỏe đi làm.

Mang tâm tư của người lao động đến với giám đốc Cty, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Quế Thanh - Giám đốc Cty Than Hồng Thái. Tuy nhiên, ông Thanh chưa hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao lại cho rằng đời sống anh em như vậy là “quá ổn”, không có gì phải suy nghĩ nữa rồi thẳng thừng cúp máy.

“Đã đến lúc nói lên câu giã từ”…

Tâm sự, chia sẻ với hàng loạt người công nhân, ai ai cũng đều có một tâm trạng chung là “an cư lạc nghiệp”. Anh Ngô Văn Hạ, một công nhân có 30 năm công tác ở Cty Than Hòn Gai cho biết: Chúng tôi đều không phải là người gốc Quảng Ninh, hầu hết từ nhiều vùng đến. Bởi vì đi theo ngành mỏ, cả đời làm việc, kiếm sống với mỏ thì ai cũng muốn được trọn đời với nó. Khi đến với ngành than, hầu hết đều là những người mới rời ghế nhà trường chuyên nghiệp, sau đó đến tuổi lập gia đình thì đơn vị tổ chức giúp. Bây giờ, tâm tư của ai cũng mong được mua hay bán trả góp cho 1 căn hộ chung cư, như thế người lao động sẽ tiện hơn trong việc quyết định sự lựa chọn cho mình và yên tâm công tác.

Còn anh Đào Văn Đại, sinh sống ở khu tập thể Cẩm Thủy cho biết khu nhà mới cần phải có chất lượng hơn khu tập thể cũ, tránh như 4 khu nhà A-B-C-D mà các anh đang sinh sống. Nhà cửa xây dựng kém chất lượng nên trần vữa, bê tông đã bong tróc ra từng mảng lớn, nhiều căn hộ đã bị “cỏ mọc”. Khốn khổ nhất của các khu tập thể cũ kỹ hiện nay là vấn đề rác thải. Nhiều hộ sinh sống ở tầng trên, do không có không trình phụ nên “ngại đi xuống”. Do vậy, mọi sinh hoạt vợ chồng, gia đình hàng ngày đều hòa theo nước chảy xuống sân chung. Bởi vậy mùi “đậm đặc” thường bốc lên từ chiếu tối cho đến sáng hôm sau. Đã có một số hộ gia đình cãi vã nhau vì chuyện chẳng may nước chảy xuống bắn tung tóe vào người bên dưới. Bởi vậy, mơ ước về một căn nhà cho riêng mỗi người công nhân đều là những giấc mơ về một ngày mai.

Bên cạnh đó, theo quan sát của phóng viên, hiện tượng chiếm đất công xây dựng nhà để xe hay nhà ở là có xảy ra, nhưng vì là trong khu tập thể nên mọi người cũng lờ đi, nhưng về lâu về dài thì điều đó là khó chấp nhận. Bởi vậy, việc ngành than cần sớm “giải tán” những khu tập thể cũ kỹ, lạc hậu để tiến hành xây mới lại là rất cần thiết. Có thế, người thợ mới an tâm với nghề, yêu nghề, trọn đời với nghề…

  • Nhà ở công nhân ngành than: Trên mười vạn người mong đợi

    Nhà ở công nhân ngành than: Trên mười vạn người mong đợi

    Kỳ I: “Tàng tích” một thời huy hoàng <br/br> Vùng đất mỏ Quảng Ninh là một trong những cái nôi xuất xứ của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc cho đến nay, những người công nhân mỏ vẫn luôn phát huy được truyền thống, vai trò cách mạng của người lao động.

Theo Đà Giang - Nam Long (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.