10/07/2012 10:08 PM
Thị trường bất động sản Hà Nội quý 2 năm 2012 đang có dấu hiệu tốt dần lên khi kinh tế vĩ mô có chiều hướng chuyển biến. Tuy nhiên, tác động tới thị trường bất động sản ở từng phân khúc chưa rõ nét. Ở cả 6 phân khúc bao gồm căn hộ dịch vụ; bán lẻ; khách sạn; căn hộ để bán; biệt thự, nhà liền kề; văn phòng cho thuê, mặc dù đã có tín hiệu tốt hơn, nhưng cơ bản thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc công ty TNHH Savills tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hòa

Nhận xét trên được ông Trần Như Trung, Phó giám đốc công ty TNHH Savills tại Hà Nội – một trong những công ty thuộc tập đoàn Savills chuyên về lĩnh vực bất động sản nhà ở trên thị trường Việt Nam và trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đưa ra khi trả lời phỏng vấn phóng viên, bên lề buổi Báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm 2012, sáng 10-7.

PV: Thị trường bất động sản đang “đóng băng” đã có dấu hiệu lạc quan hơn?

Ông Trần Như Trung: Tôi cho rằng, rõ ràng có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn. Sự lạc quan này không phải sẽ tiếp tục xuất hiện, hay không xuất hiện nữa. Tôi còn nhớ, cách đây một năm, trong cuộc điều tra của Savills, đã có hơn 50% số người được hỏi tin rằng, trong vòng một năm tới thị trường sẽ thoát cảnh “đóng băng”. Thậm chí có tới 25% số người được hỏi cho rằng, tới thời điểm này, tình hình bất động sản đã ổn định rồi. Tuy nhiên, trong điều tra mới nhất của Savills, con số đang đảo ngược lại. Có thể thấy rõ, mọi sự nhận định, lạc quan, cần phải để trong ngoặc kép. Bởi không ai có thể dự đoán chính xác thị trường bất động sản trong thời kỳ này.

Rất khó để đưa ra nhận định chính xác răng thời điểm nào thị trường sẽ ổn định. Tôi cho rằng, thị trường sẽ không theo ý muốn của chúng ta. Ai cũng mong muốn thị trường bất động sản ổn định và đi lên. Song, không phải mong là được.

Tôi cho rằng cần hiểu chính xác thị trường này. Hiểu nó đang mắc ở đâu, cần gì cho nó.

Mới đây trong khoảng 200 cuộc điện thoại gọi tới cho tôi, đã có tới 20 cuộc gọi sẵn sàng thảo luận chi tiết về việc mua nhà ở, như vậy cho thấy dấu hiệu của những người quan tâm thực sự đang dần trở lại, đây là cơ sở để chúng ta tin rằng, thị trường bất động sản còn nhiều điểm sáng.

PV: Ông dự báo phân khúc nào sẽ hồi phục?

Ông Trần Như Trung: Tôi cho rằng cứu cánh cho thị trường bất động sản ở Việt Nam chính là lĩnh vực nhà ở. Đây là lĩnh vực sát sườn nhất, áp lực nhất và cũng là nhu cầu bức xúc nhất.

Trong phân khúc này, rõ ràng Việt Nam có quy mô, có thị trường và có nhu cầu. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để đáp ứng cân bằng cung và cầu.

PV: Từ giờ tới cuối năm, có biến động gì lớn trong thị trường bất động sản?

Ông Trần Như Trung: Đây là câu hỏi mang tính kỳ vọng. Tôi cho rằng, từ giờ tới cuối năm, chúng tôi cũng hy vọng. Hy vọng rằng những chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước như cắt giảm lãi suất, điều chỉnh một số chính sách liên quan tới tiền tệ sẽ thực sự đi vào cuộc sống, giúp cho nhiều người thực hiện được ước mơ về một căn nhà của mình. Lúc đó, giao dịch sẽ trở thành sự thực.

PV: Hiện tại thì chưa?

Ông Trần Như Trung: Theo điều tra, khảo sát của Savills, số căn hộ bán trên ngày vẫn chưa ổn định. Song, chúng ta đã thấy có những tín hiệu khả quan hơn quý trước.

PV: Tổng những căn chào bán có giảm hơn so với trước, có thích nghi và gần hơn với giá thực? Giảm giá thế đã chạm đáy chưa?

Ông Trần Như Trung: Rất khó để đo đáy. Bởi chưa thể biết đâu là điểm cuối cùng. Việc điều chỉnh chính sách là quan trọng, nhưng đối với thị trường, đó cũng chỉ là điều kiện cần, còn có nhiều điều kiện khác nữa. Ví dụ như chính sách đó có ổn định không, có tạo được lòng tin không. Có một điểm quan trọng nữa là tâm lý của chủ đầu tư, tâm lý của thị trường, của người tiêu dùng đang thế nào.

PV: Liệu có thêm doanh nghiệp bất động sản nào có thể gọi là “chết” trong bối cảnh thị trường tiếp tục tạm gọi là “đóng băng”?

Ông Trần Như Trung: Tôi có thể khẳng định, những doanh nghiệp bất động sản nếu đã “chết” thì đã “chết” rồi. Hiện tại chỉ còn lại các doanh nghiệp đủ sức kinh doanh và đang chờ được tiếp sức để kinh doanh trong lĩnh vực này. Có thể sẽ có những doanh nghiệp không kinh doanh nữa, họ ngồi im quan sát. Đây cũng là một cách trong định hướng thay đổi của họ.

Hiện chỉ tồn tại những doanh nghiệp coi kinh doanh bất động sản như “nghề” của mình. Tôi tin họ sẽ tiếp tục con đường của mình. Bằng chứng là họ đã đến đây để nghe thông tin rất nhiều.

Tôi cho rằng, giai đoạn này chính là giai đoạn chủ đầu tư cần phải nghiền ngẫm nhiều nhất. Những cái gì trước kia và vì sao họ lại thành công, do tài năng của họ, hay do gặp may nhờ trên tài năng của người khác? Và quan trọng nhất, giờ có lặp lại điều này không? Nếu do họ, thì nguyên nhân ở đâu. Theo tôi, quan trọng nhất, đừng đầu tư theo phong trào, hãy đầu tư theo sự tính toán khoa học.

PV: Tại sao trong bối cảnh hiện tại, các chủ đầu tư không tiếp cận với đối tượng khách hàng là những người hưởng lương ngân sách?

Ông Trần Như Trung: Đây là câu hỏi hay. Tuy nhiên vấn đề này liên quan tới vấn đề chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ. Cụ thể, nếu hoàn toàn theo thị trường, phần chênh lệnh giữa giá thị trường và giá của nhà nước sẽ do ai trả, trả bao nhiêu, trả trong thời gian bao lâu, điều phối lãi như thế nào. Hiện chưa có bàn bạc gì ở các cấp.

PV: Kịch bản từ giờ cuối năm 2012 và một số tháng tiếp theo?

Ông Trần Như Trung: Theo tôi, quan trọng nhất là phải khích lệ được tinh thần kinh doanh. Đây là thời điểm rất nhạy cảm. Nếu chúng ta chỉ nói một chiều, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của cả người kinh doanh và những người có nhu cầu. Người kinh doanh mong bán được hàng, còn người mua thì luôn mong sẽ gặp được cơ hội hạ giá thấp hơn.

Theo Báo QĐND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.