Quan điểm chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay đó là căn hộ giá thấp khó thực hiện, nhưng không phải không làm được. Tuy nhiên, do những bất cập trong các quy định hiện hành, khiến cho việc thực hiện dự án nhà giá thấp khó thực hiện.

Theo bộ Xây dựng, kết quả khảo sát thực tế, giá bất động sản nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá xa giá trị thực của bất động sản. Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo các doanh nghiệp, muốn có quỹ đất sạch hoặc đất rẻ thì phải về vùng sâu. Nhưng nếu về vùng sâu, nhiều khi chi phí thành phẩm của căn hộ lại cao hơn giá đất nền khu dân cư hiện hữu ven đô, nên doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, muốn xây được nhà giá rẻ, cần có quỹ đất lớn và phải xây thấp tầng để kéo đơn giá xây dựng xuống thấp. Tuy nhiên, nếu làm theo cách này, quỹ đất lại không đáp ứng được, cho nên, rất khó thực hiện dự án nhà giá thấp.

Ưu đãi nhiều, nhưng không mặn mà

Theo ông Lê Quốc Duy, tổng giám đốc công ty cổ phần nhà Hoà Bình, công ty đang chuẩn bị triển khai dự án nhà thu nhập thấp tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, với mức giá bán dự kiến từ 7 – 8 triệu đồng/m2. Theo ông Duy, giá khó có thể giảm thêm được vì hiện nay, riêng đơn giá xây dựng cho một chung cư có chất lượng trung bình đã là vào khoảng từ 5 – 6 triệu đồng/m2, chưa kể giá đất. Chủ đầu tư một dự án nhà giá rẻ ở TP.HCM cho biết, để có thể xây nhà ở giá thấp tại TP.HCM tương tự như Vinaconex xây ở Xuân Mai với giá từ 4 – 5 triệu đồng/m2, là rất khó khả thi. Bởi vì, các căn hộ này đã được xây dựng với nhiều lợi thế như: Vinaconex làm chủ công nghệ bêtông đúc sẵn của mình; khu vực sản xuất bêtông đúc sẵn ngay bên cạnh dự án; chi phí vận chuyển chuyên chở thấp; giá đất khu vực rẻ...

Để được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án bất động sản nói chung, ngoài việc gặp khó khăn về thủ tục, mất nhiều thời gian, doanh nghiệp còn phải chi phí rất tốn kém và chịu nhiều biến động rủi ro trong thi công. Do đó, nếu chỉ lãi 10% trong thời gian dài đầy rủi ro, nên không doanh nghiệp nào dám thực hiện. Do đó, nếu xin được đất, nếu đầu tư vào dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp sẽ có lãi gấp hàng chục lần, tính thanh khoản cũng cao hơn so với làm nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, về việc ưu đãi vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay, do mới chỉ có ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai cho vay xây dựng nhà ở xã hội, với hơn 7.000 tỉ đồng. Do chưa có nguồn vốn ưu đãi, nên khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp buộc phải vay ngân hàng. Với lãi suất hiện tại là 1,3 – 1,5%/tháng, nếu đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị lỗ do chỉ thu tiền nhà với lãi suất thấp hơn rất nhiều lần.

Nhà ở xã hội cho thuê

Trước thực trạng đang vướng mắc về cơ chế khiến các dự án nhà xã hội chậm trễ, nhiều ý kiến cho rằng, nên phát triển mô hình nhà ở xã hội cho thuê.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giải pháp nhà ở xã hội cho thuê sẽ giúp những người làm công ăn lương, những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với môi trường sống tốt hơn. Nếu thực hiện mô hình nhà cho thuê, chắc chắn sẽ có khung giá thấp hơn nhiều so với giá thuê thực tế. Cũng theo ông Châu, để mô hình này khả thi, có thể quy hoạch ở những vùng ven để giảm giá thành, nhưng quan trọng là phải đủ lớn để trở thành những đô thị thực sự. Tính khả thi của những dự án này không khó, với nguồn quỹ đất và tài chính của thành phố hiện nay có thể thực hiện được ngay.

Cafelan.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland