Friedrich Engels từng viết trong cuốn “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” xuất bản năm 1844 rằng những khu ổ chuột ở thành Manchester ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc quận Angel Meadow (“thảm cỏ thiên đường”) nên được gọi là “địa ngục trần gian”.
Ngày nay, có thể tìm thấy những địa ngục ấy ở khắp các nền kinh tế mới nổi, từ Brazil tới Châu Phi. Năm 2010, Liên Hiệp Quốc cho rằng có khoảng 827 triệu người sống trong các khu ổ chuột (gần bằng dân số thế giới vào thời của Engel) và con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Năm ngoái, ông Vijay Govindarajan, từ Trường Kinh doanh Tuck thuộc ĐH Dartmouth, cùng chuyên gia marketing Christian Sarkar cùng đặt một loạt câu hỏi trên blog của tờ Harvard Business Review:
Vì sao những tư duy sắc bén nhất trong giới kinh doanh không cùng tìm cách xây nhà cho người nghèo? Vì sao không thay thế những túp lều đang đè nặng lên cuộc đời rất nhiều người nghèo, được chát vá tạm bợ bằng bùn và bìa các tông và có thể đổ sụp xuống hay bắt lửa bất kỳ lúc nào bằng một kết cầu bền vững hơn?
Họ đưa ra một số điều kiện đơn giản. Căn nhà phải được xây cất bằng vật liệu có thể sản xuất hàng loạt nhưng lại đủ vững chắc để có thể bảo vệ chủ nhân của nó. Căn nhà phải được trang bị những tiện nghi cơ bản của cuộc sống văn minh, bao gồm vòi nước và pin năng lượng mặt trời. Căn nhà phải “có thể cải tiến được”, tức là gia chủ có thể sửa sang thêm nếu cần. Cuối cùng, giá thành không được vượt quá 300 đôla.
Ông Govindarajan thừa nhận con số 300 đôla trên phần nào cũng là để thu hút sự chú ý. Nhưng ông đưa ra con số ấy không phải không có lý do. Muhammad Yunus, nhà sáng lập của ngân hàng Grameen Bank, đã tính toán rằng giá trị trung bình của một căn nhà dành cho người mới thoát nghèo là 370 đôla.
Trường hợp của Tata Motors cho thấy đặt ra một con số để phấn đấu giá trị đến thế nào: đáng lẽ việc sản xuất chiếc Tata Nano sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu Tata Motors chỉ đơn giản phấn đấu chế tạo được một chiếc xe “giá rẻ” thay vì một chiếc xe “một trăm nghìn rupi” (tức khoảng 2.200 đôla).
Rõ ràng chiêu thu hút sự chú ý trên đã có tác dụng. Blog của Govindarajan nhận được nhiều phản hồi tích cực đến mức ông phải lập hẳn một website dành riêng cho mục đích trên. Website 300house.com này đã có tới trên 900 cố vấn và thành viên từ khắp thế giới. Ngày 20/04, ông Govindarajan phát động một cuộc thi thiết kế bản mẫu cho ngôi nhà nói trên.
Vì sao một blog đơn giản lại có thể tạo ra một làn sóng sáng tạo lớn đến thế? Nguyên nhân dễ hiểu nhất là hiện nay các “sáng chế tiết kiệm” đang rất được ưa chuộng (tức các sáng chế giảm mạnh chi phí sản phẩm trong khi vẫn mang lại chất lượng hàng đầu).
General Electric đã giảm giá thành máy điện tâm đồ từ 2.000 đôla xuống còn 400 đôla. Tata Chemicals đã sản xuất được loại bột lọc nước có thể cung cấp nước sạch cho một gia đình trong cả năm nhưng chỉ tốn có 24 đôla. Kỹ sư Girish Bharadwaj đã hoàn thiện kỹ thuật xây dựng cầu giá rẻ, nhờ thế mà khiến vùng nông thôn Ấn Độ thay da đổi thịt.
Một lý do nữa là có thể nhà ở sẽ là một công cụ chống đói nghèo hiệu nghiệm. Nhà ở tồi tàn khiến vấn nạn này thêm trầm trọng: bệnh dịch lan tràn (vì không có khu vệ sinh, lại kém thông gió), kéo dài tình trạng nghèo đói (vì trẻ em không có đủ ánh sáng để học tập) và cảm giác bất an (vì ngôi nhà quá mỏng manh và dễ bắt lửa). Ý tưởng của Govindarajan thuyết phục đến thế vì ông coi ngôi nhà là một hệ sinh thái đem lại cho con người ánh sáng, vệ sinh và sự thoáng mát.
Rất nhiều nhà sáng chế cũng lo ngại về những vấn đề trên. Tổ chức phi chính phủ Habitat for Humanity (“Nhà ở nhân đạo”) đang xây dựng các ngôi nhà kiên cố bằng tre ở Nepal. Công ty tư vấn Idealab sắp giới thiệu loại nhà giá 2.500 đôla có thể sản xuất hàng loạt trong các nhà máy, bán thành bộ và đảm bảo tính đột phá về vệ sinh, ánh sáng và thoáng mát.
Philips đã sản xuất lò nướng giá rẻ Chulha. Loại lò này không tạo bồ hóng, nguyên nhân gây ra 1,6 cái chết mỗi năm. Solar Electric Light Fund (“Quỹ ánh sáng điện mặt trời”) chứng minh rằng các gia đình nghèo có thể dùng năng lượng mặt trời với chi phí gần tương đương với những nguồn sáng cổ điển như dầu lửa hay nến.
Các tổ chức trên cùng với những người chủ trương xây dựng nhà 300 đôla muốn thành công phải giải quyết được ba vấn đề lớn sau đây.
Thứ nhất, họ phải thuyết phục các công ty lớn rằng họ sẽ kiếm được tiền từ nhà giá rẻ, vì chỉ khi ấy họ mới đạt được tính kinh tế theo quy mô cần thiết để giảm giá thành về con số kể trên.
Thứ hai, họ phải đảm bảo có đủ tín dụng vi mô: 300 đôla là cả một khoản đầu tư khổng lồ với những hộ gia đình sống trong khu ổ chuột chỉ kiếm được vài đôla mỗi ngày.
Và cuối cùng, họ phải giải quyết được thực tế rằng phần lớn người trong khu ổ chuột không có quyền sử dụng đất. Chào mời một người mua một căn nhà được thiết kế hoàn hảo trong khi người ấy lại không có tấc đất cắm dùi thì chỉ phí công.
Muốn giải quyết được các vấn đề trên cần phải có sự hợp tác cao độ của những bên vốn luôn chẳng mấy hòa hợp như giữa các công ty và các tổ chức phi chính phủ, giữa nhà thiết kế với chính phủ các nền kinh tế mới nổi.
Tuy vậy, các nước mới nổi hiện nay có cái lợi là họ luôn vững tin ngay cả vấn đề khó khăn nhất cũng có lời giải. Vào cuối những năm 1940, một lời giải như thế đã tạo ra bước ngoặt trong lịch sử ngành xây dựng khi kỹ thuật sản xuất hàng loạt được áp dụng cho ngành xây dựng nhà.
Khi hàng loạt binh lính Mỹ phục viên xây dựng gia đình sau thế chiến thứ hai, Levitt & Sons đã xây dựng các Levittowns với tốc độ 30 căn nhà/ngày bằng cách sản xuất hàng loạt các cấu kiện trong nhà máy, trở đến công trường bằng xe tải và nhờ các nhóm chuyên gia lắp ráp chúng.
Một số chính phủ các nước mới nổi bắt đầu nhận ra rằng “an cư” là cách duy nhất đối phó với tình trạng các khu ổ chuột đang mọc lên như nấm.
Các công ty lớn vốn đang chán ngán với thị trường èo uột ở phương Tây ngày càng thấy thị trường xuất phát từ “đáy của kim tự tự tháp” này thật hấp dẫn. Bill Gross từ Idealab cho rằng thị trường nhà giá rẻ có thể trị giá ít nhất 424 tỷ đôla.
Nhưng thực tế, giá trị của nó còn lớn hơn nhiều vì thị trường này sẽ giúp Trái Đất không biến thành “hành tinh của những khu ổ chuột” như lời Mike Davis, một người theo thuyết của Marx và Engels.