Với 14 KCN, chiếm trên 8.8000 ha đất, kinh tế BR - VT đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, đồng thời tạo ra một lực lượng lao động công nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, áp lực về nhà ở cho lao động các KCN cũng đang đặt lên vai DN cũng như chính quyền địa phương khá nặng nề.

Nhà ở cho công nhân tại các KCN: Sức ép nặng nề

Khu nhà ở cho công nhân của Cty CP Giấy Sài Gòn

Theo thống kê của Ban quản lý các KCN, với 162 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, số lao động thu hút vào làm việc tại các KCN đã lên tới 36.563 lao động. Trong đó lao động địa phương chiếm 33,5%, tương đương 12.250 người, còn lại 66,5% lao động ngoại tỉnh, tương đương 24.313 người. Đại đa số lao động đều có nhu cầu cấp thiết về nhà ở ổn định để yên tâm làm việc tại các nhà máy xí nghiệp, nhất là đối với những lao động đã lập gia đình, thế nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu chính đáng này của người lao động lại rất ít ỏi.


Lệch cung cầu


Cũng theo Ban quản lý các KCN, hiện mới chỉ có 11 DN trong tổng số 162 DN đang hoạt động trong các KCN đã xây dựng ký túc xá, khu lưu trú cho công nhân lao động với công suất sử dụng khoảng 3500 chỗ ở. Trong đó, ngoại trừ một vài DN xây nhà chung cư, bố trí căn hộ cho cả các hộ gia đình ổn định, còn lại là nhà công vụ, giải quyết tức thời chỗ ở cho người lao động và chuyên gia ở tập thể trong tuần làm việc, hoặc nhà nghỉ giữa ca, còn lại, người lao động phải ở nhà trọ do DN đứng ra thuê hoặc bản thân họ tự thuê (Trong tổng số 14 KCN đã được thành lập trên địa bàn, mới chỉ có 5 KCN lập qui hoạch nhà nghỉ cho công nhân và chuyên gia).


Theo số liệu Ban quản lý các KCN tỉnh thống kê, giai đoạn trước mắt, nhu cầu nhà ở cho người lao động các KCN khoảng 4000 suất. Hiện nay, 6 DN đã đăng ký nhu cầu diện tích đất XD nhà ở cho lao động gồm: Cty TNHH CS Wund Việt Nam (0,5 ha) cho 450công nhân; CTY TNHH Posco SS-Vina, cần 2,2 ha giải quyết nhu cầu cho 400 người; Cty TNHH Thép Pomina cần 0,2 ha, cho 200 công nhân; Cty cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ cần 3ha bố trí cho 450 người; TCty Thép VN cần 580 căn hộ diện tích 40 m2/căn bố trí cho 2.120 lao động; Cty CP Dầu khí Vũng Tàu cũng cần bố trí chỗ ở cho 100 lao động.


Trong khi, theo dự báo, đến năm 2015 (tức là chỉ còn hơn 3 năm nữa), tổng số lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến khoảng 50.000 người, nhu cầu về nhà ở càng là một sức ép nặng nề.


Có qui hoạch vẫn... khó


Theo thống kê, hiện có 10 DA khu nhà ở công nhân với tổng diện tích trên 198,36 ha đang trong giai đoạn đầu tư. Dự tính các DA này có thể giải quyết được chỗ ở cho khoảng trên 45.000 lao động. Cạnh đó có 2 DA khu dân cư, 1 của Cty CP Sonadezi thuộc Khu đô thị Châu Đức với tổng diện tích 700 ha; 1 của Cty CP Tín Nghĩa thuộc DA khu dân cư Đất Đỏ, diện tích 100 ha cũng đang trong giai đoạn đầu tư. Ngoài ra còn có các DA nhà ở thương mại đã có đất sạch và XD hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, có thể XD nhà ở được ngay như: DA 20 ha của Cty CP phát triển nhà; DA 35 ha của Cty A.T.A; DA Góc Chifon 3,8 ha của Cty UDEC; DA khu nhà ở Việt Trung và quản lý vận hành nhà máy điện 8,2 ha; DA của Cty Bất động sản dầu khí 4 ha... và hàng loạt DA khu đô thị mới và khu nhà ở khác cũng đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Nếu các DA này hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động sẽ đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu nhà ở cho lao động trong các KCN. Tuy nhiên, có một số khó khăn lớn đang cản trở tiến trình đưa các DA nhà ở cho công nhân các KCN từ trên giấy đi vào thực tiễn. Đó là vấn đề vốn.


Khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, các DN gặp rất nhiều rủi ro và khó khăn nên chỉ ưu tiên vốn duy trì SX, không mấy DN chú trọng đến việc bố trí vốn XD nhà ở cho người lao động. Hơn nữa, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các DA nhà ở công nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn, do người dân không đồng ý với giá cả, chính sách đền bù, hỗ trợ. Ngoài ra còn một số khó khăn như: Chính sách mang tính xã hội hóa, vừa vận động, vừa kêu gọi DN xây dựng nhà lưu trú cho công nhân kèm theo những ưu đãi cho DN tuy đã có và rất hợp lý nhưng lại chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn và chưa đủ chế tài cần thiết để thúc các DN bắt tay vào thực hiện.


Một lý do nữa cũng đang là một cản trở đó là nhiều lao động không muốn vào ở trong nhà lưu trú vì những qui định cứng nhắc, chưa phù hợp thực tế; Một số khu nhà lưu trú còn thiếu các dịch vụ giải trí; Một số thì đặt ra quá nhiều thủ tục rườm rà nên công nhân cũng không muốn vào ở. Hơn thế, không phải công nhân nào cũng được xét vào ở trong các khu lưu trú, khu KTX.
Theo Huỳnh Liễu (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland