Trong khi hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách vẫn phải đi thuê nhà ở thì hàng trăm căn hộ xã hội ở lô CT21A khu đô thị Việt Hưng lại chưa có người sử dụng.
Nhà ở cho công chức bị… bỏ hoang

Nhà ở xã hội vẫn chưa đến được tay cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách.


Trước tình trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh việc cấp đất, lập dự án nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách trên địa bàn thành phố.


Khó khăn lớn nhất với công chức là nhà ở…


Báo cáo của Sở Xây dựng và số liệu điều tra ban đầu do Cục thống kê Hà Nội cung cấp cho thấy, toàn thành phố hiện có 355.260 cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách. Trong đó các cơ quan Trung ương có khoảng 202.966 người, chiếm 57,1%; số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc TP Hà Nội khoảng 152.294 người, chiếm 42,9%. Với đồng lương ít ỏi như hiện nay thì nhu cầu nhà ở của những người này là rất lớn.


Chính vì vậy, từ năm 2006 đến nay, TP Hà Nội đã và đang xem xét giải quyết tổng số 206 địa điểm để xây dựng nhà ở cho cán bộ các đơn vị với tổng diện tích đất khoảng 596,37ha, trong đó có khoảng 27 địa điểm xây dựng nhà ở cho cán bộ các cơ quan thuộc TP Hà Nội với diện tích khoảng 87,24ha. Trong đó có 3 dự án đã có quyết định giao đất, 20 dự án đã có chủ trương đầu tư, 4 dự án có thỏa thuận kiến trúc… Tuy nhiên phần lớn cán bộ, lực lượng vũ trang (đối tượng hưởng lương từ ngân sách) không có khả năng mua nhà ở thương mại.


Cùng với TP HCM và Bình Dương, TP Hà Nội được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm một số dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định của Luật nhà ở để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi. Đến nay, Hà Nội đã tiến hành xây dựng thí điểm và hoàn thành nhà ở xã hội theo hình thức cho thuê tại ô CT19 khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) với quy mô 515 căn hộ và 300 căn hộ cho thuê mua cũng tại khu đô thị này (ô CT21). Theo quy định của UBND TP Hà Nội, đối tượng thuê, thuê mua nhà tại 2 dự án trên là cán bộ, công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở, đang làm việc tại các cơ quan sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố.


Và mới đây, tháng 5/2011, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố Đề án xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, một phần đất trong các dự án nhà ở, đất xen kẹt, thu hồi do vi phạm luật đất đai sẽ được dành để phát triển quỹ nhà ở này. Ngoài ra, các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha cũng sẽ phải dành 20-30% tổng diện tích sàn nhà ở để bán cho công chức hưởng lương ngân sách. Diện tích mỗi căn hộ sẽ từ 80 đến 120m2. Bên cạnh hình thức mua, đề án cũng đưa ra hình thức cho thuê hoặc thuê mua. Người mua nộp tiền lần đầu bằng 20% giá mua và trả góp trong 10 năm cho chủ đầu tư.


Trong đề án này, chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho người hưởng lương ngân sách sẽ được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được sở hữu diện tích dịch vụ – thương mại để kinh doanh bù đắp giá bán nhà. Chi phí tiền sử dụng đất phân bổ vào phần diện tích dịch vụ – thương mại, không phân bổ vào giá bán.


Ngày 28/4/2011, Hà Nội đã tổ chức khánh thành 300 căn hộ xã hội tại lô đất CT21A khu đô thị mới Việt Hưng. Các căn hộ có diện tích từ 36 – 63m2, với giá mua căn hộ dự kiến chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2 (với mức giá trên thì những căn hộ có diện tích 36m2 chỉ khoảng 200 triệu đồng/căn) và người dân còn được lựa chọn thời gian mua trả dần (tối thiểu 5 năm) với lần đầu chỉ phải trả 20% tổng giá trị căn hộ.


Trước đó (ngày 24/9/2010), 515 căn hộ cho thuê cũng được khánh thành để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Việc hơn 800 căn nhà xã hội hoàn thành với mức giá cho thuê (dự kiến 600.000 đồng/tháng) và thuê mua (dự kiến 6 triệu đồng/m²) đã mở ra cơ hội “có nhà” cho công chức Thủ đô. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, phần lớn các căn hộ trên vẫn chưa có người sử dụng.


Tạm dừng cấp đất, xây nhà để kiểm tra


Chẳng ai biết cần bao nhiêu thời gian nữa để những căn nhà xã hội đến được với cán bộ, công chức của Thủ đô. Nhưng có những điều ai cũng biết đó là nhà ở xã hội được xây dựng từ tiền ngân sách nhà nước và hàng ngàn công chức Hà Nội vẫn đang phải đi thuê nhà ở. Trước tình trạng hàng trăm căn nhà xã hội vẫn chưa được đưa vào sử dụng, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh việc cấp đất, lập dự án nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách trên địa bàn thành phố.


Nhà ở cho công chức bị… bỏ hoang

Nhà ở cho công chức bị bỏ hoang.


Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện, thị xã phải tạm dừng việc giải quyết các đề nghị cấp đất, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho các đối tượng nói trên. UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, kiểm tra các dự án nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, đang triển khai thủ tục giao đất.


Qua quá trình rà soát, nếu phát hiện dự án chậm triển khai, chậm tiến độ phải lập danh sách đề xuất dừng và báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/9.


Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra các dự án đã được giao đất xây dựng nhà ở bán cho đối tượng hưởng lương ngân sách mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, từ đó đề xuất xử lý, báo cáo thành phố trước ngày 15/10.


Sở Xây dựng được giao chủ trì rà soát, kiểm tra các dự án có quyết định giao đất xây dựng nhà ở bán cho đối tượng hưởng lương ngân sách sau ngày 30/6/2006 (Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành). Qua đó, xác định những trường hợp giao đất, bán nhà không đúng đối tượng, sử dụng đất không đúng mục đích, đề xuất xử lý, báo cáo thành phố trước ngày 30/10.


Vào đầu năm nay, với việc triển khai đề án xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức trên địa bàn đến năm 2015, thành phố dự kiến sẽ xây thêm nhà ở cho khoảng 580.000 người hưởng lương ngân sách.


Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở, ngành, hiện một số dự án thuộc diện trên đang có dấu hiệu chậm tiến độ, mua bán, sử dụng sai mục đích, đối tượng buộc thành phố phải ra quyết định tạm dừng cấp mới nhằm chấn chỉnh, xử lý các trường hợp sai phạm.

Theo Thanh Ngọc (Năng lượng mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.