“Biện pháp xử phạt chủ nhà ở sử dụng sai công năng” là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi họp giao ban giữa Sở Xây dựng và 24 quận, huyện về tình hình cấp phép xây dựng ngày 8-4.
Biến tướng thành... nhà trọ
“Tại huyện Nhà Bè có khá nhiều chủ nhà trọ xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng thực ra là làm nhà trọ cho thuê. Đây là một cách lách luật để khỏi thực hiện yêu cầu về nhà cho thuê như phải có lối đi riêng, phòng cháy, thoát hiểm… Thấy bản vẽ chia nhiều phòng nên huyện mời chủ nhà lên hỏi, họ vẫn nói là xây nhà ở. Chúng tôi lập biên bản, chuyển cho Phòng Kinh tế quản lý để sau này họ đăng ký cho thuê nhà trọ sẽ có bằng chứng xử lý. Cách làm của huyện có đúng không?” - đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè nêu thắc mắc.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Cần Giờ cho biết huyện cũng hết sức khó xử khi có khoảng 50 nhà ở trở thành nhà nuôi chim yến trong khu dân cư. “Họ xin phép xây nhà ở rồi sửa một ít không đáng kể như bít cửa, không tô tường để nuôi yến. Khi huyện xuống kiểm tra thì thấy không có vi phạm nào đáng kể. Máy nhạc dụ chim yến không quá to, ô nhiễm môi trường cũng không có nên chẳng biết phạt như thế nào” - ông bày tỏ.
Khá nhiều người dân xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng thực ra là làm nhà trọ cho thuê. Ảnh minh họa: HTD
Trả lời các vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quách Hồng Tuyến cho rằng trong lúc người dân xin phép xây dựng, cơ quan chức năng không được làm khó người dân. “Tuy nhiên, hậu cấp phép thì phải quản chặt, chẳng hạn kết hợp Phòng Kinh tế quản lý, tuyệt đối không cho phép nhà ở sử dụng sai công năng” - ông Tuyến gợi ý.
Nhà tạm không nhất thiết phải năm tầng!
Nhiều quận cho biết việc cấp phép xây dựng tạm trong khu vực có dự án “treo” nhưng có quyết định thu hồi đất cũng còn nhiều lúng túng. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 2 cho hay theo Quyết định 68/2010 của UBND TP , nhà tạm được xây tối đa năm tầng nhưng quận không dám cấp cao như vậy mà vẫn dựa theo hiện trạng nhà cũ, khoảng chừng hai, ba tầng là hết cỡ. Chính vì thế, khi người dân khiếu nại vì sao không cấp phép cho họ xây năm tầng, quận rất khó trả lời thỏa đáng.
Theo ông Tuyến, Quyết định 68 là căn cứ thuyết phục nhất. “Nên giải thích để người dân hiểu đúng về cấp phép xây dựng tạm. Không phải cứ nhà tạm đương nhiên được cấp phép năm tầng mà phải xem xét để tương đồng khu vực nhà ở lân cận, phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất” - ông Tuyến giải đáp.
Trong khi đó, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân đặt vấn đề về việc cấp phép xây dựng tạm cho phần đất trống thuộc lộ giới mở đường nhưng chưa thực hiện. “Quận Bình Tân có chủ trương vận động người dân hiến đất mở đường. Trong lúc chưa thực hiện, đất trống hai bên bỏ đó, người dân có nhu cầu xây tạm kiốt để mua bán là cũng cần thiết” - vị này giải thích. Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng cho phép tạm để làm nhà ở khác với làm kiốt. “Nhà ở được cho xây tạm vì đó nhu cầu thiết yếu của người dân và trên phần đất trước đó đã có nhà, còn đất trống mở đường mà xin tạm xây kiốt thì không được” - ông Tuyến nói.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Phú, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, báo cáo 100% hồ sơ xin phép xây dựng tại quận này được giải quyết đúng thời hạn. “Về cấp phép xây dựng theo mẫu nhà do quận lập sẵn tại đường Lũy Bán Bích, đến nay quận đã cấp hơn 400 giấy. Quận đang nghiên cứu hình thức mẫu nhà để sắp tới triển khai áp dụng cho đường Tân Kỳ Tân Quý” - bà Khuê cho hay.
Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân. Tôi sẽ mời quận, huyện nào hay được người dân có ý kiến thắc mắc nhất để giải đáp luôn cụ thể, tại chỗ. Ông QUÁCH HỒNG TUYẾN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP |