Những căn nhà xây dựng 1 trệt 2 lầu với diện tích 24m², chung một giấy phép xây dựng.
Bán rồi vẫn thế chấp, bán nữa
Ông Phạm Đức Thắng - một trong số cư dân bị thiệt hại trong vụ lừa đảo này - cho biết: Ngày 10-6-2011, bà Luận bán cho ông và 4 người khác lô đất số 30M (khu phố 3, Hiệp Thành). Khi bán đất, bà Luận cho hay khu đất đã được quận 12 cấp giấy phép xây dựng (GPXD) và cam kết người mua sẽ được cấp sổ hồng sau khi xây nhà xong. Nghe nói khu đất bảo đảm tính pháp lý nên mọi người thanh toán đủ tiền cho bà Luận để được giao đất, tiến hành xây dựng. Suốt thời gian mọi người xây nhà đến khi vào ở, mọi việc đều suôn sẻ, không bị thanh tra xây dựng làm khó hoặc bị cá nhân nào tranh chấp, cản trở.
Thế nhưng trong thời gian chờ bà Luận làm sổ hồng thì xuất hiện một số người đến cho biết giấy chứng nhận quyền sử dụng của khu đất đã được bà Luận thế chấp cho ông Nguyễn Trung Anh để vay 5 tỷ đồng, do bà Luận không có khả năng trả nợ nên họ xiết tài sản thế chấp.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - cũng là một trong số cư dân bị thiệt hại trong vụ lừa đảo này - bức xúc: Chúng tôi không khá giả để có thể mua nhà đất dự án trong khu đô thị mới. Khi thấy bà Luận bán khu đất có sổ đỏ và đã được UBND quận 12 cấp GPXD (số 4767/GPXD) nên mọi người tin tưởng. Tại khu đất nhà tôi và 8 hộ lân cận mua, GPXD cho phép xây dựng nhà ở, tổng diện tích tầng trệt 322m², quy mô 1 trệt 2 lầu, được chia nhỏ thành 9 căn nhà biệt lập. Cũng như khi bán những lô đất khác, bà Luận cam kết sẽ có sổ hồng, nhưng sau khi chúng tôi xây xong nhà tại lô đất này, mới vào ở thì có người đến đuổi đi vì khu đất này bà Luận đã bán cho bà Nguyễn Thị Thu Sương”.
Có dấu hiệu khuất tất
Phần lớn nạn nhân của bà Luận là các gia đình lao động và một số người bị giải tỏa ở các dự án, có khả năng tài chính hạn chế, nhưng lại bức xúc về nhu cầu nhà ở. Nắm được điểm yếu này, bà Luận đã giăng bẫy rao bán đất diện tích nhỏ phù hợp với túi tiền, cam kết đất có sổ đỏ, đã có GPXD, được cấp sổ hồng sau khi hoàn thành. Chính vì thế, các hộ đã mạnh dạn mua nhà, mua đất cất nhà, mong sớm tạo lập chốn an cư.
Hiện bà Luận đã bị công an bắt nhưng điều khiến các nạn nhân bức xúc là nếu không có sự tiếp tay, thông đồng của những người đang làm trong cơ quan nhà nước thì bà Luận khó thực hiện được việc lừa đảo trong thời gian dài, lừa được nhiều người như vậy. Hành vi sang nhượng, cầm cố giấy tờ nhà đất giữa bà Luận và các đối tượng khác cũng có dấu hiệu mờ ám.
Điều dễ xác minh là việc sang nhượng, cầm cố giấy tờ xảy ra sau hay cùng thời gian người dân đã mua đất, làm nhà? Cụ thể như căn nhà và thửa đất số 83-1, tờ bản đồ số 6, địa chỉ 15/8 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành quận 12, do ông Mai Hoàng Thịnh (chồng bà Phấn) đứng tên. Bằng GPXD mới, căn nhà đã được “phù phép” thành 11 căn với diện tích mỗi căn 24m². Trong thời gian từ 1-4 đến 19-5-2011, bà Luận đã bán 3 lô đất cho chị Nguyễn Thị Bích Phương, Phạm Thị Chiền, Nguyễn Thị Hồng Ánh, và bán 2 căn nhà cho ông Phạm Văn Lộc và Nguyễn Đức Việt. Vậy mà, ngày 31-5-2011, ông Thịnh hợp đồng ủy quyền cho bà Luận được quyền ký hợp đồng bán căn nhà và đất cho ông Phạm Ngọc Tân với giá 3,74 tỷ đồng. Hợp đồng bán nhà được thực hiện tại Phòng Công chứng số 5.
Trong quá trình ông Tân làm thủ tục trước bạ, sang tên, bà Luận tiếp tục ký hợp đồng bán các lô đất còn lại. Như vậy, trước ngày ông Thịnh ủy quyền cho bà Luận, giấy tờ và thực tế khu nhà đất của ông Mai Hoàng Thịnh đã biến động, không còn nguyên trạng. Căn nhà đã được cấp GPXD mới, đang xây dựng một phần và thực tế đã có nhiều người sử dụng.
Thế nhưng, người mua “giấy tờ nhà đất” vẫn cố tình mua và các thủ tục sang tên đổi chủ nhà đất vốn khắt khe, chặt chẽ như công chứng, trước bạ, sang tên vẫn được thực hiện trôi chảy. Đã có sự bắt tay giữa vợ chồng bà Luận, ông Tân và những cán bộ nào để phù phép trong các phi vụ này?