06/03/2018 8:02 AM
Cách khống chế diện tích nhà ở được nhập hộ khẩu để quản lý dân cư là tư duy chưa đúng.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, nhà thuê, mượn, ở nhờ phải đạt diện tích bình quân tối thiểu 20 m2 sàn/người mới cho nhập hộ khẩu. Tuy nhiên,nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất này khó khả thi và sẽ không đạt được kết quả như Sở mong muốn.
Đề xuất nhằm chống trục lợi,lạm dụng hộ khẩu?
Theo Sở Xây dựng, con số đề xuất nói trên được căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020. Cùng với đó là tính toán từ trung bình diện tích nhà ở bình quân của 19 quận và căn cứ số liệu mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025. Việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu 20 m2/người với trường hợp nhà thuê, mượn, ở nhờ được cho là nhằm “đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, khắc phục tình trạng lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân như cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu chỗ ở của mình để trục lợi, hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định”.
Được biết đề xuất của Sở Xây dựng được sự thống nhất đồng tình của các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện. Tuy nhiên, vẫn đang có nhiều ý kiến khác tranh luận về vấn đề này.
Trước đó, từ năm 2010 trở về trước, diện tích nhà ở tối thiểu tại TP.HCM là 5m2 sàn/người đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ. Tuy nhiên, đến khi Luật Cư trú 2013 được ban hành, diện tích này phải do HĐND TP quyết định. Từ đó TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng điều chỉnh lại diện tích bình quân về nhà ở được cho nhập hộ khẩu phù hợp với thực tế.
Làm thủ tục nhập hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD
Không được nhập hộ khẩu, dân vẫn vào TP
Góp ý cho đề xuất của Sở Xây dựng, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đặt vấn đề: “Quy định 20 m2 sàn nhà ở mới được nhập hộ khẩu,vậy những người đang thuê nhà, ở nhờ nhà diện tích dưới mức này thì có “đuổi” được họ ra khỏi TP hay không? Đây chỉ là quy định hành chính không giải quyết được vấn đề” - TS Nguyên nói. Theo ông, giải pháp căn cơ để khống chế người lao động nhập cư vào khu vực trung tâm là xây dựng tuyến đô thị với nhiều đô thị nhỏ. “TP.HCM giống như một giọt mật, cần phân tán giọt mật này ra thành một dải để thu hút dân đến với những nơi này. Có như thế mới giảm áp lực cho khu vực trung tâm chứ không thể quản lý bằng một biện pháp hành chính” - ông Nguyên cho biết.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng về lâu dài không nên quản lý theo kiểu thường trú hay tạm trú bằng sổ hộ khẩu mà nên theo mô hình của quốc tế. Theo đó,trong một năm, người dân ở nơi nào lâu nhất (từ trên sáu tháng) thì nơi đó được xem là thường trú. TS Sơn phân tích, quy luật “đất lành chim đậu”, nơi nào có cuộc sống tốt thì nơi đó sẽ thu hút nhập cư. Ông cho rằng cách khống chế diện tích nhà ở được nhập hộ khẩu để quản lý dân cư là tư duy chưa đúng đối tượng. “Nơi nào có công ăn việc làm thì nơi đó có dân nhập cư. Như vậy, Nhà nước thay vì nhắm vào người dân thì nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp ra ngoại thành. Khi doanh nghiệp dời đi thì dân cư cũng theo đó giãn ra” - ông Sơn phân tích.
Vị tiến sĩ này phân tích, chính sách khuyến khích doanh nghiệp ra ngoại thành có thể thực hiện bằng cách giảm thuế. Điều này trước mắt cơ quan thuế có thể sẽ thất thu một số khoản nhưng đổi lại, khi dân cư giãn ra các đô thị vệ tinh thì ngay khu vực trung tâm TP sẽ thông thoáng, giảm bớt gánh nặng dân số cũng như áp lực về hạ tầng, môi trường cũng sạch sẽ và an ninh hơn. “Vấn đề không phải là hộ khẩu mà quản lý dân số thực hiện bằng chính sách tạo cơ hội công ăn việc làm trong vùng đô thị. Xa hơn nữa là tạo cơ hội để phát triển các tỉnh, thành khác trên cả nước” - TS Sơn bày tỏ.
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ chính sách công, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng nếu TP chỉ có những lao động có kỹ thuật cao tạo ra những giá trị lớn thì điều kiện sống của họ cần đòi hỏi phải được nâng cao. “Trong trường hợp này cùng với việc thực thi một cách nghiêm túc và chặt chẽ thì việc nâng chuẩn của diện tích nhà ở là hợp lý” - ông góp ý. Tuy nhiên, ông cho hay với thực trạng hiện nay tại TP, lực lượng lao động có kỹ năng thấp vẫn chiếm số lượng không nhỏ thì việc sàng lọc để có một không gian, môi trường sống tốt hơn là rất khó khả thi.
Diện tích được đề xuất mỗi lúc một tăng
Từ năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng đã ba lần đề xuất diện tích bình quân sàn nhà ở để đăng ký thường trú cho người ở thuê, ở nhờ, mượn nhà. Con số này tăng theo mỗi lần đề xuất. Cụ thể, năm 2014 là 16 m2 với 19 quận và 8 m2 cho năm huyện. Năm 2016 là 19,8 m2 cho 19 quận và 10 m2 cho năm huyện. Đến năm 2017 Sở đề nghị áp dụng 20 m2 cho tất cả 24 quận, huyện, không phân chia khu vực.
Việt Hoa (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.