Có giảm áp lực dân số, hạ tầng?
Theo tờ trình gửi UBND TP.HCM mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất tăng diện tích ở bình quân lên 20m2/người đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê (hoặc mượn, ở nhờ), không phân chia khu vực nội hay ngoại thành.
Hiện diện tích ở bình quân được chia làm 2 khu vực. Tại 5 huyện vùng ven là Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn và Củ Chi, diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú là 10m2 sàn/người, các quận còn lại là 15m2/người.
Với số lượng dân số ngày càng đông, phương tiện đi lại nhiều, sẽ gây áp lực lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, như ùn tắc giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu các công trình công cộng, ô nhiễm môi trường, tăng giá bất động sản…
Đề xuất tăng diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú tại TP.HCM nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Do vậy, theo Sở Xây dựng, việc tăng diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như hạn chế tình trạng người lao động nhập cư ở các tỉnh đổ về thành phố.
Thời gian qua có nhiều trường hợp lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, như: cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở (trong đó có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân), nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định.
Theo Công an TPHCM, việc quy định diện tích ở bình quân trên đầu người để đăng ký thường trú sẽ khắc phục được tình trạng nhập hộ khẩu nhờ, nhập hộ khẩu danh nghĩa. Ngoài ra, quy định này còn đáp ứng được vấn đề nhập cư, giãn dân, tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân trên địa bàn.
Không cần thiết, gây khó khăn cho người nhập cư
Kiến trúc sư Trương Hoài Phong cho rằng, sự phát triển của TP.HCM có sự đóng góp không nhỏ của người lao động nhập cư. Quy định về diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú tăng từ 10m2/người, đối với khu vực ngoại thành, lên 20m2/người sẽ gây khó khăn, dẫn tới hạn chế số lượng lao động nhập cư. Bởi đa số dân nhập cư, nhất là người lao động nghèo, tập trung tại các khu vực vùng ven.
Theo Kiến trúc sư Trương Hoài Phong, thay vì quy định diện tích ở bình quân như nói trên thì chính quyền TP.HCM cần lập các khu đô thị vệ tinh, đầu tư hạ tầng kết nối với các khu vực vùng ven để giãn dân.
“Người nhập cư đổ về các đô thị lớn là quy luật tự nhiên. Việc quy định nhập khẩu theo diện tích ở bình quân để hạn chế người nhập cư là cản trở sự phát triển. Thực tế, số lượng người nhập cư ở TP.HCM tăng lên theo từng năm”, Kiến trúc sư Phong nêu quan điểm.
Trong khi đó, Kỹ sư quy hoạch Nguyễn Bảo Vinh cho rằng quy định này không làm giảm đi áp lực dân số, hạ tầng mà gây khó khăn bởi sẽ không ngăn được dòng người nhập cư. Chính quyền Thành phố nên can thiệp bằng giải pháp kinh tế hơn là bằng “mệnh lệnh” hành chính.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng quy định diện tích ở bình quân để nhập khẩu này là không cần thiết, tạo gánh nặng cho xã hội, không giải quyết vấn đề một cách căn cơ.
Dẫn chứng cho quan điểm này, Luật sư Hậu cho hay ở các quốc gia phát triển, Nhà nước quản lý công dân bằng mã số định danh trong khi nước ta vẫn còn sổ hộ khẩu với nhiều bất cập.