Nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Stiglitz nói với Bloomberg hôm thứ Hai rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể giải quyết vấn đề lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất. Giáo sư Đại học Columbia cho biết, các can thiệp từ phía cung sẽ phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz.

"Tăng lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát", ông Joseph Stiglitz nói trên kênh truyền hình Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn tại Davos, Thụy Sĩ, nơi ông đang tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

"Nó sẽ không tạo ra nhiều thức ăn hơn. Nó sẽ gây khó khăn hơn vì bạn sẽ không thể đầu tư", ông Joseph Stiglitz nói.

Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, đã đưa ra nhận xét của mình trước cuộc họp chính sách vào tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nơi các nhà đầu tư đang mong đợi một đợt tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản. Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản kể từ tháng 3 để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong khoảng 40 năm.

Giáo sư Đại học Columbia cho biết, các can thiệp từ phía cung sẽ phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Joseph Stiglitz nói: “Một trong những điều mà Tổng thống [Joe] Biden đã cố gắng làm là chăm sóc nhiều hơn cho trẻ em và điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn. Điều đó giải phóng một trong những hạn chế [về nguồn cung lao động]”.

Biden cho biết vào tháng trước, hơn 1 triệu phụ nữ đã không thể trở lại làm việc sau đại dịch COVID vì không đủ khả năng chăm sóc trẻ em. Chương trình lập pháp "Xây dựng trở lại tốt hơn" trị giá 1,7 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden đã thúc đẩy một số chương trình chăm sóc trẻ em bị đình trệ tại Quốc hội.

Ông Stiglitz nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta đang làm. Ông nói: “Việc giết chết nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất sẽ không giải quyết được lạm phát trong bất kỳ khung thời gian nào”.

Ông cũng cho rằng các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới nên tập trung vào việc tăng cường sản xuất lương thực. Ông nói, Mỹ từng có thặng dư lương thực và có thể có lại.

Ông Stiglitz cho rằng các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới nên tập trung vào việc tăng cường sản xuất lương thực.

Stiglitz nói: “Ít nhất việc cố gắng làm mọi thứ có thể trên toàn cầu để tăng nguồn cung sẽ giúp giải quyết vấn đề nhiều hơn là gây ra tình trạng suy thoái”.

Lạm phát tại Mỹ ở mức 8,3% vào tháng 4, giảm bớt phần nào so với mức 8,5% vào tháng 3.

Quan điểm cho rằng lãi suất cao hơn giúp dập tắt lạm phát về cơ bản là một niềm tin dựa trên nguyên tắc kinh tế lâu đời về cung và cầu. Theo lý thuyết, khi ngân hàng nhà nước thắt chặt tiền tệ, thực hiện tăng lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Điều này sẽ làm cho tiền đắt hơn và việc vay mượn ít hấp dẫn hơn, nhu cầu về tiền giảm xuống. Thay vì đi vay hay dùng tiền, người dân thích gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng mức lãi suất cao. Nhu cầu tiêu dùng cũng trở nên thấp đi, làm giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa. Các thương gia sẽ phải chịu áp lực giảm giá để thu hút mọi người mua sản phẩm. Lãi suất tăng sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông ngoài thị trường, ảnh hưởng tích cực lên đồng tiền của quốc gia đó. Vì vậy lạm phát sẽ thấp.

Giá thực phẩm đã tăng vọt trên toàn cầu do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thời tiết bất lợi và giá năng lượng tăng. Sự gia tăng đang tạo ra gánh nặng cho những người nghèo hơn trên khắp thế giới và đe dọa gây ra bất ổn xã hội.

Một chỉ số toàn cầu do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc công bố hôm thứ Năm cho thấy giá lương thực trong tháng 1 đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2011, khi chi phí tăng vọt góp phần vào các cuộc nổi dậy chính trị ở Ai Cập và Libya. Giá thịt, sữa và ngũ cốc có xu hướng tăng từ tháng 12/2021, trong khi giá dầu đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi chỉ số giá vào năm 1990.

Giá lương thực tăng đã ảnh hưởng đến các mặt hàng đa dạng như ngũ cốc, dầu thực vật, bơ, mì ống, thịt bò và cà phê. Giá tăng khi người nông dân trên toàn cầu đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm hạn hán và bão băng đã hủy hoại mùa màng, giá phân bón và nhiên liệu tăng cao, thiếu lao động liên quan đến đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến sản phẩm khó đưa ra thị trường.

Nhưng khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, thế giới đã trải qua những cơn địa chấn về nhu cầu lương thực. Các nhà hàng, quán ăn tự phục vụ và lò mổ đóng cửa, và nhiều người chuyển sang nấu ăn và ăn uống tại nhà. Một số nông dân Mỹ không thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng buộc phải đổ sữa ngoài ruộng và tiêu hủy đàn gia súc.

Hai năm sau, nhu cầu thực phẩm toàn cầu vẫn mạnh, nhưng giá nhiên liệu và chi phí vận chuyển cao hơn, cùng với các nút thắt khác của chuỗi cung ứng như thiếu tài xế xe tải và container vận chuyển, tiếp tục đẩy giá lên, Christian Bogmans, nhà kinh tế tại International cho biết.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc tăng giá lương thực không đồng đều trên khắp thế giới. Châu Á phần lớn không bị ảnh hưởng vì có một vụ lúa dồi dào. Nhưng các khu vực châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh phụ thuộc nhiều hơn vào thực phẩm nhập khẩu đang gặp khó khăn.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.