Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm công trình dân dụng lớn nhỏ sử dụng kính phản quang, che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài của khối công trình. Những tổ hợp kính này trông khá đẹp mắt và có thể tiết kiệm năng lượng nhưng lại rất có hại cho người bên ngoài.

Đổ “lửa” sang hàng xóm

Nếu giữa trưa hè, hoặc khi trời nắng, mặt trời chiếu vào những tòa nhà được sử dụng vật liệu bằng kính phản quang, hẳn sẽ là một thử thách lớn đối với bất cứ ai nhìn trực diện vào các tòa nhà này. Chị Nguyễn Phương Nga, Giám đốc quản lý nhân sự một công ty chứng khoán, đang làm việc trong một khối nhà kính chia sẻ: “Những toà nhà trang trí bằng vật liệu kính tận dụng được tối đa ánh sáng ngoài trời, nhưng mức độ bắt nắng của người làm việc lâu trong những toà nhà này cũng rất lớn. Hơn nữa, nếu ngồi ở văn phòng nhìn ra ngoài thì còn được, chứ nếu có việc phải ra ngoài mà nhìn vào tòa nhà thì chỉ được khoảng vài phút tôi đã thấy hoa mắt, chóng mặt như người bị say sóng”.

Nhà kính gây ngộ độc ánh sáng
Tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí lắp đặt kính chống phản quang

Chị Hoàng Mai, ở phố Liễu Giai, quận Ba Đình bổ sung: “Tôi cho rằng, những toà nhà được bọc bằng kính sẽ có tác hại nhất định đến môi trường và sức khoẻ con người. Vào những thời điểm nắng, nóng gay gắt sự ảnh hưởng này càng bộc lộ rõ hơn. Những tấm kính trở thành những tấm gương khổng lồ hắt nắng sang các toà nhà đối diện, xuống nền bê tông và người đi đường, gây cảm giác chói mắt, khó điều khiển phương tiện giao thông, tăng nhiệt độ ngoài trời…”.

Mối hiểm nguy tiềm tàng

Mặc dù, hiện nay một số toà nhà mới đã cho lắp đặt loại kính chống phản quang nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ rơi vào những toà nhà mới được xây dựng. Đơn cử như toà nhà của Tập đoàn Dầu khí nằm trên đường Láng Hạ, Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng... Trong khi đó, đối với nhà ở dân dụng hiện nay, các loại kính sử dụng thường là kính một lớp, kính trong, chưa bảo đảm yêu cầu hệ số truyền nhiệt và độ an toàn. Do vậy, khó có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu một lúc nào đó hàng trăm toà nhà cao tầng bọc kính mọc lên.

Ông Nguyễn Thanh Thức, kiến trúc sư một công ty xây dựng thuộc Tập đoàn Xây dựng Hàn Quốc cho biết: “Trên thế giới đã có các khuyến cáo không nên dùng nhiều kính đối với các tòa cao tầng. Tại Singapore, vào những năm 1985-1995, một số tòa nhà sử dụng kính phản quang đã bị cấm sử dụng. Bởi theo chính phủ nước này, nó có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc ánh sáng rất nguy hiểm cho con người.

Với nhiều quốc gia trên thế giới, ngộ độc ánh sáng được đưa vào danh mục quản lý nhà nước, nhưng tại Việt Nam, “căn bệnh” trên mới dừng ở mức khuyến cáo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bọc kính đều trên 1.000 lux, trong khi mắt chúng ta chỉ chịu được độ ánh sáng khoảng 400 - 600 lux. Bên cạnh đó, nếu tiếp xúc thường xuyên với các ánh sáng phản quang sẽ dẫn tới tình trạng nhức mắt, chóng mặt, thậm chí gây đau đầu, buồn nôn, mất ngủ…

Để kiểm soát và quản lý chặt chẽ về chất lượng, tính năng kỹ thuật và phạm vi sử dụng, loại bỏ tối đa những tiềm ẩn có nguy cơ gây mất an toàn của loại sản phẩm kính trong các công trình xây dựng, các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, việc xây dựng những quy định cụ thể hóa bắt buộc những vị trí công năng, phải sử dụng kính an toàn, kính tiết kiệm năng lượng đúng quy chuẩn, quy định là điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước nên đặc biệt quan tâm, nhất là trong xu thế phát triển như hiện nay.

Chưa có quy định bắt buộc

Trước tình trạng sử dụng kính bừa bãi trong xây dựng hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Xây dựng về sản phẩm kính xây dựng.

Nhà kính gây ngộ độc ánh sáng

- PV: Ông có thể cho biết hiện đã có những quy định nào đối với sản phẩm kính xây dựng?

- Ông Trần Hữu Hà: Bộ Xây dựng đã ban hành QCXD Việt Nam 09:2005 - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả và Quy chuẩn XDVN 05:2008/BXD - Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Tiêu chuẩn hướng dẫn sử dụng kính cũng đã được quy định trong TCVN 7528:2005 trong đó có đưa ra hệ số phản xạ năng lượng ánh sáng không được ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Để kiểm soát quản lý chặt chẽ hơn nữa về chất lượng, tính năng kỹ thuật và phạm vi sử dụng để loại bỏ tối đa những tiềm ẩn có nguy cơ gây mất an toàn của loại sản phẩm này, năm 2009 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BXD, theo đó các loại sản phẩm hàng hóa kính đều bị đưa vào danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn - với những quy định nghiêm ngặt về công bố chất lượng kiểm soát chất lượng và chứng nhận hợp quy.

Tuy vậy các văn bản này chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, hướng dẫn chủ đầu tư trong việc sử dụng kính chứ không bắt buộc. Dự kiến trong tháng 6 tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành QCVN 16:2011/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong đó có kính.

- PV: Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng kính trong xây dựng hiện nay?

- Ông Trần Hữu Hà: Trong thời gian qua, mặc dù đã ban hành một số quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên vẫn còn thiếu quy định cụ thể, đặc biệt là các quy định về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, thiết kế, lắp đặt, kiểm tra thử nghiệm, sử dụng các loại kính.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy chuẩn xây dựng trong đó có việc sử dụng kính ở một số nơi chưa tốt. Trên thực tế, một số công trình xây dựng hiện nay chủ đầu tư đã sử dụng các loại kính một lớp, kính trong, kính quá mỏng chưa bảo đảm yêu cầu hệ số truyền nhiệt và độ an toàn cho con người. Những loại kính không đảm bảo chất lượng cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường khiến nhiệt độ nóng lên, gây ô nhiễm ánh sáng…

- PV: Để chấn chỉnh tình trạng sử dụng kính bừa bãi hiện nay, Bộ Xây dựng đã có những giải pháp nào, thưa ông?

- Ông Trần Hữu Hà: Để từng bước hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động xây dựng nói chung và kính xây dựng nói riêng, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện soát xét, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành quy chuẩn XDVN mới. Quy chuẩn xây dựng sẽ được sửa đổi linh hoạt theo sự phát triển của xã hội.

Cụ thể là tỷ lệ kính trong các tòa nhà có thể tăng lên nhưng hệ số phản quang sẽ được quy định cụ thể và ngày càng chặt chẽ hơn, bổ sung thêm một số quy định về chiều dày, số lớp kính, loại kính... đối với các công trình cao tầng…

Theo Huệ Linh - Ngọc Bảo (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0