29/04/2013 10:03 AM
Hành trình đi tìm vị trí để xây dựng một Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đã trải qua 10 năm với nhiều quyết định và thay đổi. Tin vui đầu năm nay về việc UBNDTP.HCM phê duyệt ngân sách xây dựng Nhà hát tại khu Công viên 23 tháng 9 (dự kiến hoàn thành năm 2015) ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận.

Giám đốc HSBO, nhạc trưởng Trần Vương Thạch chia sẻ:

- Những ngày qua, tôi đọc hầu như tất cả những bài báo có đề cập đến vấn đề vị trí xây nhà hát và cả những ý kiến bình luận của độc giả, tôi thấy rằng ý kiến nào cũng có lý. Sự thật là nhà hát đã có 10 năm chờ đợi và chuyển hết từ địa điểm này đến địa điểm khác trong quá trình xem xét. Lúc đầu thành phố chọn số 23 Lê Duẩn (vốn là trụ sở công ty xổ số) rồi sau đó cũng có dự địnhxây dựng ở khu vực Bến Nhà Rồng hoặc Thủ Thiêm. Nhưng tất cả đều không thành hiện thực bởi rất nhiều vấn đề.

* Xin ông cho biết cụ thể những vấn đề với từng địa điểm?

- Nhà hát cần đáp ứng các tiêu chí: tính hoành tráng, tính biểu tượng và tính thẩm mỹ. Ở Lê Duẩn thì diện tích nhỏ, lại không có 4 mặt tiền cho phù hợp với kiến trúc của một nhà hát bề thế. Bến Nhà Rồng vị trí rất đẹp nhưng rất khó có thể giải tỏa những công trình đã có sẵn để xây dựng nhà hát. Còn ở Thủ Thiêm thì quá hoang vu, dù trong quy hoạch thì khu vực này sau sẽ sầm uất nhưng hiện giờ, cho đến lúc nhà hát hoàn thành theo dự kiến (năm 2015) thì ở đó vẫn chưa có cơ sở hạ tầng và nhà hát không thể mọc lên giữa xung quanh là ruộng.

Rạp Công Nhân có vị trí đẹp nhưng đã cũ kỹ và xuống cấp trầm trọng

* Dư luận phản đối xây nhà hát tại Công viên 23 Tháng 9 vì nhà hát sẽ chiếm mất không gian cây xanh hiếm hoi còn lại của cả thành phố. Đó là một đòi hỏi hợp lý, thưa ông.

- Tôi xin nói rõ và nhấn mạnh rằng nhà hát chỉ chiếm 10% diện tích Công viên 23 Tháng 9. Tôi hoàn toàn không muốn làm mất đi mảng cây xanh của thành phố nhưng nếu sử dụng nó để xây dựng một nhà hát thì hợp lý vì nó sẽ là một nét đẹp kiến trúc ở công viên, mang đến cho công viên không khí nghệ thuật. Nếu khu vực này đang còn lộn xộn thì chính nhà hát sẽ mang lại sự phát triển mới về mặt văn hóa với những hoạt động nghệ thuật để người dân có thể thưởng thức sau khi đi tản bộ, dạo mát. Ngoài ra, tiền sảnh và xung quanh nhà hát vẫn có cây xanh.

Nhà hát Bông Sen đã chuyển thành sân khấu kịch với đủ hàng quán ở mặt tiền

* Cũng có ý kiến rằng nhạc giao hưởng cổ điển là thứ còn xa vời với cuộc sống của đa số người dân, vì thế họ muốn khi chiếm khoảng xanh của thành phố thì phải xây dựng công trình nào đó mà theo họ là có ích hơn là nhà hát cho nhạc giao hưởng cổ điển.

- Những buổi biểu diễn định kỳ của HSBO ở Nhà hát TP.HCM trong thời gian gần đây luôn bán hết vé, có những chương trình như ballet Kẹp hạt dẻ đã diễn lại nhiều lần và lần nào cũng cháy vé. Đó là minh chứng của sự cần thiết hay không cần thiết, gần gũi hay xa vời của nghệ thuật hàn lâm với đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố. Tuy nhiên, xây dựng nhà hát này chúng tôi quan tâm đến cả những loại hình nghệ thuật khác ở thành phố chứ không chỉ cho riêng nhà hát chúng tôi. Khi xây dựng với những điều kiện kỹ thuật đã dự tính, nhà hát có thể phục vụ tất cả các loại hình nghệ thuật. Hiện nay tất cả các môn nghệ thuật đều nhồi nhét vào Nhà hát Thành phố và Nhà hát Hòa Bình, nhu cầu xây dựng nhà hát trở nên cấp bách với tất cả các ngành nghệ thuật, kể cả nhạc trẻ.

Sen Hồng - sân khấu thiếu nhi ngoai trời ở Công viên 23 Tháng 9 vừa đi vào hoạt động từ dịp Tết Nguyên đán 2013

* Ông đã từng kiến nghị với thành phố nhiều địa điểm xây dựng nhà hát, vậy địa điểm nào mà ông tâm đắc nhất?

- Vị trí mà tôi cho là sẽ đẹp nhất là dải eo đối diện Bến Nhà Rồng. Khi nhà hát nằm ở vị trí đó, nếu được thiết kế, xây dựng đúng tầm, nó sẽ trở thành một công trình văn hóa biểu tượng của thành phố, giống như Nhà hát Con sò ở Sydney vậy. Tuy nhiên để xây dựng được nhà hát ở vị trí đó sẽ cần tới cả tỷ USD, trong khi ngân sách xây nhà hát hiện chỉ có 100 triệu USD, như thế cũng là một số tiền quá lớn rồi. Mơ mộng là như thế nhưng phải thực tế và phải đi theo lộ trình. Vả lại, thành phố này cần xây thêm nhiều nhà hát chứ không chỉ một nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch. Rất có thể, những vị trí kia sẽ dành cho những nhà hát được xây dựng trong tương lai.

Vì không có địa điểm riêng đủ để đáp ứng nhu cầu tập luyện, biểu diễn nên HSBO hiện đang ở tình trạng “chia năm xẻ bảy”. Ban quản lý tạm ở nhờ trong tầng hầm Nhà hát TP.HCM, đoàn múa phải thuê lại một phòng của trường Múa TP.HCM, dàn nhạc tập tạm ở rạp Thanh Vân trên đường Cách mạng Tháng 8.
V.A (Thể thao & Văn hóa)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.