Tỷ lệ giao dịch nhà ở của khách hàng Trung Quốc giữa các bang của Hoa Kỳ
Trung Quốc vừa trở thành quốc gia nước ngoài có số vốn đầu tư nhiều nhất vào thị trường nhà ở Hoa Kỳ trong vòng 12 tháng, tính đến thời điểm tháng 3/2014, theo số liệu thăm dò của Hiệp hội Những nhà môi giới quốc gia Hoa Kỳ (NAR). Theo đó, tổng giá trị tài sản bất động sản người Trung Quốc đã mua tại Hoa Kỳ trong năm qua đạt tới 22 tỷ USD, chiếm khoảng 25% doanh số bán hàng từ khách hàng quốc tế. Trong đó, 39% số bất động sản được sử dụng làm nơi cư trú, 49% được mua vào với mục đích cho thuê hoặc làm nơi nghỉ dưỡng. Trước đó, Canada là địa điểm định cư ưa thích của người giàu Trung Quốc và trong năm qua, tổng giá trị tài sản bất động sản người Trung Quốc đã mua tại Canada cũng đạt 13,8 tỷ USD, đứng sau Hoa Kỳ.
“Theo quan sát của chúng tôi, người Trung Quốc mua rất nhiều căn hộ diện tích lớn và đắt tiền trong vòng 18 tháng qua. Bên cạnh đó, những căn hộ nhỏ hơn với giá từ 1,5 - 3 triệu USD cũng trở thành mục tiêu nhắm đến của những gia đình có con theo học bên này”, Hall Willkie, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Brown Harris Stevens Residential Sales ở New York nói.
Trong khi người mua nhà châu Âu hoặc Mỹ Latin là nguyên nhân chính đẩy giá căn hộ ở khu vực miền Nam Florida lên mức cao kỷ lục, thì thị trường Los Angeles, San Francisco và Las Vegas lại sôi động với đa số khách hàng đến từ châu Á, trong đó phần lớn là người Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc Singapore.
Không chỉ riêng Hoa Kỳ, thị trường nhà ở tại Úc cũng đang chứng kiến làn sóng mua nhà ồ ạt từ khách hàng Trung Quốc, góp phần đẩy giá nhà ở những thành phố lớn như Sydney và Melbourne tăng hơn 30% lần trong 12 tháng qua. Một báo cáo gần đây của Credit Suisse chỉ ra rằng, hàng năm, những người mua nhà từ Trung Quốc đại lục đổ hơn 5 tỷ USD vào thị trường nhà ở Úc. Đặc biệt, năm tài chính 2013, số vốn đầu tư lên tới 5,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất vào thị trường bất động sản thương mại Úc, theo Cục Đầu tư nước ngoài nước này. Đồng thời, gần 1/5 số lượng dự án bất động sản mới ở Sydney từ đầu năm 2014 tới nay được bán cho những chủ đầu tư Trung Quốc.
Tại thị trường bất động sản Anh Quốc, nhất là London, các đại gia Trung Quốc cũng “làm mưa, làm gió” và góp phần không nhỏ đẩy giá bất động sản London tăng chóng mặt. Thương vụ mua lại tòa nhà chọc trời Canary Wharf ở địa chỉ số 10 Upper Bank với giá 795 triệu bảng Anh (tương đương 1,35 tỷ USD) của Tập đoàn Bảo hiểm China Life được đánh giá là thương vụ M&A bất động sản nước ngoài lớn nhất được thực hiện bởi một công ty Trung Quốc trong năm 2014 tại Anh Quốc. Tháng 1/2014, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc là Greenland Group cũng đưa ra tuyên bố đầu tư 1,2 tỷ bảng Anh (tương đương 2 tỷ USD) vào 2 dự án bất động sản ở London.
Tuy nhiên, đứng đầu danh sách những ông chủ Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào Anh Quốc phải kể đến tỷ phú Li Ka-shing khi bỏ ra hơn 30 tỷ bảng Anh (tương đương 49,93 tỷ USD) vào các ngành nghề kinh doanh đa dạng từ viễn thông, phân phối gas, kỹ thuật đến mạng lưới điện, bất động sản, đưa Li trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây. Trong đó, bất động sản vẫn là ngành được tỷ phú này ưu tiên hàng đầu.
Từ năm 2013, ông Li đã bán nhiều dự án bất động sản lớn tại Trung Quốc để phục vụ cho việc đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Công ty Hutchison Whampoa, một chi nhánh của công ty con thuộc Tập đoàn Cheung Kong của Li đã được Thị trưởng London Boris Johnson chấp thuận trong việc xây dựng 3.500 căn nhà trên phố Lewisham, cách trung tâm tài chính Canary Wharf 3,2 km, theo Bloomberg.
-
Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Country Garden báo lỗ kỷ lục trong năm 2023-2024
Sau nhiều tháng trì hoãn công bố báo cáo tài chính, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings cuối cùng đã hé lộ khoản lỗ khổng lồ gần 175 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 23,8 tỷ USD) trong năm 2023, gấp gần 30 lần so với năm trước đó...
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...