Nhà xã hội được ưu tiên
Sau hội nghị về thị trường bất động sản ngày 17/2, dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn đang hướng tới cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, trong đó ưu tiên nhà ở xã hội.
Trong Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững Chính phủ mới ban hành, Chính phủ đưa ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phân khúc đang thiếu hụt trên thị trường, để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng người dân về nhà ở.
Trải qua các chu kỳ khủng khoảng, loại hình nhà ở vừa túi tiền được xem là phân khúc gia tăng tính thanh khoản, mang đến tâm lý tích cực cho thị trường.
Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) tháo gỡ toàn diện khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành một nghị quyết riêng về thí điểm chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, nghị quyết riêng này sẽ tháo gỡ những vướng mắc lớn về quy hoạch, bố trí quỹ đất, giao đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn nhà đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư làm nhà ở xã hội. Chính sách riêng này cũng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách.
Để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Gói tín dụng này cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Tín hiệu tích cực
Các giải pháp ưu tiên khơi thông dòng vốn thúc đẩy phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thật được giới chuyên gia đánh giá sẽ mang lại triển vọng tích cực cho thị trường, giúp “làm ấm” thị trường đang trầm lắng gần một năm qua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội là tín hiệu tích cực. Nếu được triển khai nhanh có thể góp phần rút ngắn chênh lệch cung cầu nhà ở.
Theo ông Châu, việc xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều khó khăn dẫn đến nguồn cung nhà ở sụt giảm. Cơ cấu sản phẩm nhà ở bất hợp lý, số nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người dân còn thiếu, nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình còn thiếu trầm trọng. Giá nhà cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân.
Mới đây, loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Hưng Thịnh, Vingroup, SunGroup, Himlam hay trước đó là Nam Long Group, Becamex, Hoàng Quân… cùng vào cuộc làm nhà ở xã hội.
Vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp” đã làm việc với HoREA và đại diện lãnh đạo của 19 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.
Trong đó có 15 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội, nhiều dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền trong 15 năm qua và 04 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản vừa đăng ký tham gia thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2020.
Việc các cơ quan quản lý và cả phía doanh nghiệp cùng tham qua rốt ráo trong việc làm nhà ở xã hội nghĩa là tính bền vững cho phân khúc này sẽ cao hơn. Điều đó cũng cho thấy thị trường bất động sản năm 2023 và các năm tiếp theo có thể sẽ là các năm “kích hoạt” mạnh của phân khúc này.
Ông Lê Hoàng Châu đề xuất các doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nên đặc biệt quan tâm đa dạng hóa sản phẩm nhà ở.
“Bên cạnh sản phẩm nhà ở cao cấp, nhà ở trung cao cấp thì rất cần thiết bổ sung sản phẩm nhà ở thương mại giá trung bình, nhất là nhà ở giá vừa túi tiền (affordable housing), nhà ở xã hội (social housing) để vừa xây dựng uy tín thương hiệu; vừa tăng tính thanh khoản và hạn chế “rủi ro” trong kinh doanh khi thị trường bất động sản có biến động; vừa góp phần tái cấu trúc và phát triển thị trường bất động sản minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững”, ông Châu cho biết thêm.
-
“Cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả?
Nhà ở xã hội, phân khúc đáp ứng nhu cầu của rất đông người dân tại các thành phố lớn, đang nóng trở lại với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản lớn.
-
Mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với chủ nhà chung cư năm 2025
Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với căn hộ của mình, mức phí bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
-
Livestream bán nhà đất trên TikTok phải xác thực bằng số định danh cá nhân
Đây là nội dung mới nổi bật được đề cập tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2024)....
-
Sẽ tổng rà soát 160 dự án đang bị vướng mắc
Thủ tướng đã quyết định thành lập ban chỉ đạo để tập trung giải quyết các dự án vướng mắc, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.