22/10/2020 10:23 AM
Ngoài lĩnh vực bất động sản, gần đây, Việt Nam được xem là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp tài chính, công nghệ đến từ Singapore.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: VSIP

Vốn chảy mạnh

Dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Singapore đang chảy mạnh vào các địa phương phía Nam nhằm đón cơ hội khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, trong số 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Thành phố, các doanh nghiệp từ Singapore đóng góp 813,5 triệu USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM.

Tính rộng ra, theo thống kê gần đây, trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại TP.HCM, Singapore đang đứng vị trí thứ nhất, với 1.100 dự án có tổng vốn đầu tư 10,73 tỷ USD. Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Singapore như Kepple Land, Capital Land… có các dự án quy mô lớn tại TP.HCM.

Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Singapore rót vốn đầu tư nhiều thứ 3 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương này, với tổng vốn đăng ký 198 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.

Theo ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM, đến nay, doanh nghiệp nước này đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 70 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này. “Các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Đồng Nai khá thành công, do đó, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu và có kế hoạch tiếp tục đầu tư”, ông Kho Ngee Seng Roy nói.

Lĩnh vực nào hấp dẫn?

Cách đây một tháng, khi nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty cổ phần SG Logistics với vốn đầu tư hơn 80 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, ông Tong Chee Kiong, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn BW cho biết, đây là dự án thứ ba của doanh nghiệp này ở TP.HCM để chuẩn bị đón sóng đầu tư.

Trong thực tế, các doanh nghiệp đến từ Singapore hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã sớm có các dự án tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… và đã có những thành công nổi bật.

Từ năm 1996, Tập đoàn Sembcorp Development vào Việt Nam và bắt tay với Becamex IDC thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Tại Bình Dương, đến nay, đã có 3 khu công nghiệp VSIP, trong đó Khu công nghiệp VSIP III có diện tích 1.000 ha, vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng vào cuối năm nay để thu hút các dự án đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư Ascendas liên doanh với Công ty Protrade phát triển và quản lý Khu công nghiệp quốc tế Protrade rộng 500 ha tại tỉnh Bình Dương và Dự án Saigon OneHub, có diện tích 12 ha tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo các chuyên gia, với tác động của các FTA và sự dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam, bất động sản công nghiệp và kho vận là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất gần đây. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Singapore, với việc đã có mặt sớm tại Việt Nam, chủ động chuẩn bị được nhiều quỹ đất lớn tại những địa phương phát triển công nghiệp mạnh, được nhìn nhận là sẽ có nhiều ưu thế.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, gần đây, Việt Nam được xem là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp tài chính, công nghệ đến từ Singapore. “Chúng tôi thấy, Việt Nam nổi bật như một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ trong lĩnh vực tài chính, mà còn nhiều lĩnh vực khác”, ông Alexander Gold, Chủ tịch Bankograph Pte Limited, một công ty fintech của Singapore chia sẻ về quyết định chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên để mở rộng hoạt động.

Làn sóng doanh nghiệp công nghệ của Singapore tham gia đầu tư, hợp tác tại Việt Nam được phát triển mạnh hơn trong khoảng 2 năm trở lại đây. Chẳng hạn, Finaxar hợp tác với Indovina Bank Việt Nam nhằm cung cấp giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Với những cái bắt tay trên, các công ty và tổ chức tài chính Việt Nam sẽ hưởng lợi trong hợp tác với công ty fintech của Singapore. Đồng thời, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái trong lĩnh vực tài chính, công nghệ.

  • Việt Nam, Singapore trở thành nơi định cư mới mới của các ngân hàng Nhật Bản

    Việt Nam, Singapore trở thành nơi định cư mới mới của các ngân hàng Nhật Bản

    CafeLand - Ngân hàng Gunma, có trụ sở chính ở phía Tây Bắc Tokyo, sẽ mở văn phòng đại diện tại TPHCM trong năm tài chính này để đáp ứng sự quan tâm ngày càng tăng của những người vay tại Việt Nam. Trong khi đó, Ngân hàng Yokohama sẽ đóng cửa văn phòng đại diện tại London trong tháng này cùng với việc mở chi nhánh tại Singapore vào tháng 8.

Hồng Sơn (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.