Ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels Asia Pacific, cho biết mặc dù thị trường bất động sản tại Việt Nam đang rất khó khăn, phân khúc khách sạn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về RevPar (doanh thu trên số lượng phòng có sẵn) trong ba năm vừa qua, cùng với các thành phố lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương.
RevPar được tính toán bằng cách lấy giá phòng nhân với công suất phòng, và được các khách sạn sử dụng để xác định doanh thu của mình.
Ông McIntosh đưa ra số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy công suất phòng tại các khách sạn tại Hà Nội và TPHCM hiện đã ghi nhận mức tăng trưởng từ 5-10% so với năm 2010, và mức RevPar đã tăng từ 15-20% so với năm 2009. Giá phòng trung bình của các khách sạn tại Việt Nam vẫn khá cao trong khu vực, chỉ đứng sau Hong Kong và Singapore.
Ông McIntosh nhận định tiềm năng cho đầu tư khách sạn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tại Việt Nam là khá cao, đặc biệt là các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng dài hạn. Phân khúc này đã hồi phục nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính với đa số các thành phố lớn ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng RevPar khoảng 20% so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Ông này dẫn số liệu của một cuộc khảo sát thị trường cho thấy hiện tỷ lệ đầu tư vào bất động sản khách sạn chỉ chiếm khoảng 22%, thấp hơn nhiều so với hơn 35% của Thailand. Tuy nhiên, xu hướng nhà đầu tư dự tính sẽ đầu tư vào bất động sản khách sạn tại Việt Nam sẽ vào khoảng 38% trong 12-18 tháng tới. Xu hướng này không tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng, mà tập trung vào các khách sạn giá rẻ, phân khúc hiện đang hoạt động rất hiệu quả về phương diện tăng trưởng RevPar.