20/03/2017 8:12 AM
Khi mua lại ngân hàng 0 đồng, nhà đầu tư ngoại phải bảo toàn 100% tiền gửi của khách hàng.
Làm gì để hút nhà đầu tư ngoại?
Quan tâm đến ý kiến cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần buông các ngân hàng 0 đồng để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua lại cổ phần, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng đây là điều hợp lý.
Lý giải điều này, vị chuyên gia cho biết: "Đến bây giờ chưa có báo cáo nào cho biết vốn điều lệ của các ngân hàng 0 đồng là bao nhiêu, đã được bổ sung hay chưa, trong khi vốn điều lệ tối thiểu phải là 3.000 tỷ đồng. Chỉ biết rằng 3 ngân hàng 0 đồng (GPBank, Oceanbank, CBBank) được một số ngân hàng lớn như Vietinbank, Vietcombank, BIDV hỗ trợ về nguồn vốn. Chính vì thế, những ngân hàng đó vẫn hoạt động trong tình trạng yếu kém, nên để các ngân hàng nước ngoài vào bổ sung vốn và vực dậy.
Mặt khác, các ngân hàng 0 đồng dù được các ngân hàng thương mại hỗ trợ nhưng vẫn là ngân hàng con của NHNN, trong khi đó chức năng của NHNN là cơ quan quản lý. Bây giờ có lẽ là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng này".
Ngân hàng Xây dựng, một trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng
Tỏ ra thận trọng hơn, chuyên gia kinh tế-tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng thời điểm buông các ngân hàng 0 đồng do NHNN tính toán.
"Bản chất của ngân hàng 0 đồng là Nhà nước gánh vác một ngân hàng yếu kém để bảo vệ hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn người dân chưa quen với việc phá sản của ngân hàng thương mại. Khi ấy, Nhà nước phải bỏ sức ra để sửa, cách thông thường nhất là dùng tiền nhưng như vậy thì quá dễ và chưa chắc NHNN đã được phép vì còn phải thông qua Chính phủ, Quốc hội. NHNN phải dùng các phương thức quản lý, tái cấu trúc nợ... và cần có thời gian. Đến lúc nào NHNN thấy ngân hàng cứng cáp, có thể bán được thì họ sẽ tìm đối tác để bán chứ chẳng dại gì ôm mãi mãi.
Hơn nữa, ngân hàng 0 đồng không còn là dạng ngân hàng tư nhân để đi theo cách mua bán thông thường mà là của Nhà nước. Nhà nước đã bỏ một số tiền vào đó nên lúc nào bán, bán cho ai, bán thế nào có lợi cho chiến lược chung của hệ thống ngân hàng... NHNN sẽ quyết định", ông nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu bổ sung, trong trường hợp mua lại ngân hàng 0 đồng, nhà đầu tư ngoại phải bỏ ra rất nhiều tiền để bình thường hóa một ngân hàng yếu kém như vậy.
Theo đó, nếu ngân hàng 0 đồng có vốn âm thì nhà đầu tư phải bổ sung vốn để vốn chủ sở hữu bằng 0 trước, sau đó bơm thêm 3.000 tỷ đồng để hợp với quy định của NHNN về vốn điều lệ.
"Điều đó có thể thực hiện được nếu vốn hóa các món nợ của ngân hàng 0 đồng. Khi ấy, nó sẽ làm giảm vốn âm và ngân hàng nước ngoài sẽ bỏ thêm chi phí vào. Còn nếu bắt ngân hàng nước ngoài bổ sung thêm vốn âm, lại cộng thêm mấy nghìn tỷ đồng thì e sẽ không có nhà đầu tư nào dám vào", TS Hiếu nhấn mạnh.
Cả hai vị chuyên gia đều khẳng định, ngành ngân hàng ở Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Nếu mua lại ngân hàng 0 đồng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều lợi thế, có thể vào thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ và dễ dàng thay vì phải mở chi nhánh, đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam... Họ sẽ có ngay một ngân hàng hoạt động tức thì ở Việt Nam, tránh được nhiều chi phí khi ngân hàng đó đã được cơ cấu, tổ chức lại, có sẵn các chi nhánh... Đáng lưu ý, nhà đầu tư có thể vực dậy ngân hàng để sinh lời cho họ.
Trách nhiệm với nợ
Một vấn đề được đặt ra là: Khi nhà đầu tư ngoại mua lại ngân hàng 0 đồng, trách nhiệm với tiền gửi của dân và việc xử lý các khoản nợ thời kỳ trước ra sao?, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay: khi mua ngân hàng 0 đồng, nhà đầu tư phải mua tài sản có và tài sản nợ, chịu trách nhiệm bảo toàn 100% tiền gửi của khách hàng cũng như các khoản nợ.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển bày tỏ: nếu đó là ngân hàng mang tính tư nhân trên bờ vực phá sản và nhà đầu tư khác nhảy vào mua thì họ phải chịu trách nhiệm hết. Ở đây, ngân hàng 0 đồng đã thuộc về Nhà nước, Nhà nước có thể cân nhắc gánh vác một phần khoản nợ, chẳng hạn nợ của các công ty nhà nước vay ngân hàng này, để làm tăng khả năng mua của đối tác. Tùy từng ngân hàng, từng khoản nợ của mỗi ngân hàng mà nhà nước tính toán khoản nợ này.
Về việc định giá cổ phần các ngân hàng 0 đồng, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, ở nước ngoài, có những công ty phá sản hay thua lỗ triền miên vẫn có người mua lại với giá rất cao, tùy vào sự nhận diện của nhà đầu tư. Một số ngân hàng Việt Nam có thể đạt được điều này, chẳng hạn, Oceanbank, DongA Bank...
TS Nguyễn Trí Hiếu nói thêm, rất khó dùng các công thức hay những công cụ mua bán bình thường để tính toán mà do sự đàm phán giữa NHNN với nhà đầu tư nước ngoài.
"Trước hết đó phải là giá thương lượng giữa ngân hàng nước ngoài và NHNN. Thường thì người ta mua với tỷ lệ 2-3 chấm trên vốn chủ sở hữu, trong trường hợp này vốn chủ sở hữu âm hoặc bằng 0 nên không thể là thước đo định giá ngân hàng.
Một ngân hàng nước ngoài mua một ngân hàng 0 đồng chắc chắn phải mua uy tín, giá trị thị trường của ngân hàng đó mặc dù hiện tại có thể rất bê bết. Vốn chủ sở hữu bằng 0 nhưng nó vẫn có giá trị thị trường, vẫn còn khách hàng, các khoản vay, tài sản cố định... Dựa vào đó hai bên sẽ đàm phán để đi đến một cái giá tương đối phù hợp với cả hai bên", ông Hiếu chỉ rõ.
Thành Luân (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.