Với góc nhìn vĩ mô hiện nay, đặc biệt sau khi giá xăng tăng thêm 2.000 đồng/lít, ai cũng lo ngại cho thị trường vàng, BĐS và CK. Nhiều NĐT băn khoăn không biết rót tiền vào đâu để thu về lợi nhuận?
Trước câu hỏi “Nên đầu tư vào đâu trong thời buổi kinh tế hiện nay”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Thật khó để có thể tư vấn về đầu tư trong lúc này bởi mỗi người có một sở trường, sở đoản, “không thể khuyên người chơi vàng bỏ vàng chạy sang đầu tư bất động sản (BĐS) hoặc ngược lại”. Hơn nữa, hiện nay, các thị trường vàng, BĐS, chứng khoán (CK) đều đang diễn biến rối ren, “rối tung rối mù”, vì vậy, các NĐT nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ tiền túi ra đầu tư.

Hiện nay, các yếu tố vĩ mô cũng tác động không nhỏ tới các cơ hội đầu tư, các chuyên gia trong nước đều nhận định rằng: nguồn vốn đầu tư năm 2011 sẽ rất khó khăn.

CPI Quý I/2011 đang tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010 khiến nhiều người lo ngại về việc xuất hiện lạm phát cao trong năm 2011. Đây là chỉ báo khiến Chính phủ đang đề ra hàng loạt giải pháp thắt chặt tài chính tiền tệ, tác động tới cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, trong đầu năm 2011, Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI và ổn định kinh tế bằng các giải pháp thắt chặt tiền tệ và duy trì lãi suất (LS) ở mức cao. Do vậy, LS huy động trong quý I và quý II khoảng 14% khá hấp dẫn cho người gửi tiền, đồng thời gây khó khăn nguồn vốn đầu tư.

BĐS 2011 cần thời gian để phục hồi

Dư nợ cho vay BĐS cuối năm 2010 đạt khoảng 228,000 tỷ đồng, tăng 23.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng tín dụng BĐS năm 2010 là 27.65%.


TS. Đinh Thế Hiển
Theo ghi nhận của TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng: "Thị trường tài chính – tiền tệ đang bất ổn khiến thị trường BĐS chưa có động lực để phục hồi. Do đó, BĐS hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng và nhà đầu tư nội địa đang hướng vào phân khúc nhà có mức giá trung bình và khá”.

TS.Hiển phân tích các yếu tố làm kìm hãm thị trường BĐS thời gian này có thể kể đến là: Nguồn cung sẵn sàng tham gia thị trường rất lớn bởi cả nước có khoảng 2.500 dự ấn đang được triển khai. Tại TP.HCM, nguồn cung cao ốc văn phòng tăng mạnh trong năm 2010 với 245.000 m2 hoàn thành và có khoảng 220.000 m2 đang xây, khiến giá cho thuê và tỷ lệ cho thuê giảm mạnh; Kinh tế thế giới chưa khởi sắc khiến cho nguồn vốn, nhu cầu kinh doanh – du lịch vào Việt Nam giảm. Trong đó, nguyên nhân hạn chế tín dụng và LS cao là yếu tố bất lợi chủ yếu.

Mặc dù vậy, BĐS vẫn luôn là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (Năm 2010 đã có 348 dự án kinh doanh BĐS và 674 dự án xây dựng được đăng ký bằng vốn đầu tư FDI). Điều đặc biệt là nhu cầu nhà ở rất lớn và hạ tầng giao thông đang triển khai và hoàn thành sẽ là một yếu tố hỗ trợ thị trường BĐS. Theo TS. Hiển: Việc kinh tế VN vẫn phát triển khá mạnh so với thế giới sẽ một động lực thúc đẩy thị trường BĐS trong thời gian tới. Dự báo trong năm 2011, căn hộ và đất nền, văn phòng cho thuê vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, khó có khả năng tăng trưởng trong năm 2011.

“Thị trường BĐS cần một thời gian khắc phục các bất ổn về tài chính tiền tệ. Thời điểm phục hồi có thể vào quý II/2012. Tuy nhiên, thị trường chỉ có khả năng tăng trưởng ở một số khu vực có hạ tầng được đầu tư tốt và kinh tế phát triển như khu vực Cảng Hiệp Phước, Phía đông Sài Gòn và khu vực kết nối hệ thống cảng phía Nam. Các khu vực khác do nguồn cung quá lớn trong khi chưa có động lực kinh tế phát triển mạnh sẽ khó tăng giá như kỳ vọng của các nhà đầu tư” – TS. Hiển tư vấn.

Vàng vẫn đầy sức hút?

Trước sức ép của các cơ quan chức năng về việc quản lý vàng miếng, mặc dù giá vàng trong nước thời gian gần đây đang có xu hướng “hạ nhiệt”, giao dịch có phần trầm lắng, tuy nhiên, với sức tăng của thị trường vàng thế giới và những nhận định tích cực về giá vàng thế giới trong năm 2011, không ít nhà đầu tư vàng nội địa vẫn có đủ niềm tin để tiếp tục tham gia thị trường này.

Tính đến ngày ¼, giá vàng trong nước hiện đang giữ ở mức quanh quẩn 37 triệu đồng/lượng, trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 31/3, giá vàng trên thế giới giao tháng 6 trên sàn New York tăng hơn 1%, lên sát 1.440 USD/ounce do dầu thô lên cao nhất trong 2,5 năm và đồng USD suy yếu so với Yên Nhật, Euro. Trước đó, vào ngày 24/3/2011, giá vàng đã đạt ngưỡng 1.447 USD/ounce, cao nhất trong lịch sử giao dịch vàng thế giới.


Các nhà đầu tư trong nước vẫn kỳ vọng vào vàng bởi theo các chuyên gia dự đoán: Giá vàng
thế giới sẽ tiếp tục tăng nhắm đến mức 1.500 USD/ounce trong quý II.2011.

“Có thể thấy, mối quan ngại về sự mất cân bằng tài chính và căng thẳng tiền tệ do tác dụng của gói nới lỏng tín dụng trị giá 600 tỷ USD của Fed, lạm phát thế giới tăng cao và cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông đang là những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng cao trong suốt 2 tháng qua" – TS. Hiển cho biết.

Các tổ chức tài chính uy tín thế giới cũng đều dự báo rằng: Giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011, vượt mức kỷ lục 1.447 USD/ounce ngày 24/3/2011. Hãng Reuters Reuters dự báo, vàng thế giới đạt 1.450 USD/ounce, Credit Suisse 1.630 USD/ounce, trong khi CIBC lại ước tính vàng vọt lên mức 1.600 USD/ounce trong năm 2011 và 1.700 USD/ounce trong năm 2012.

Tóm lại, dự báo xu hướng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng nhắm đến mức 1.500 USD/ounce trong quý II.2011. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao nhà đầu tư ở các quốc gia trên thế giới vẫn không ngừng tích trữ vàng coi đây như nơi trú ngụ an toàn khi lạm phát lên cao và bất ổn chính trị gia tăng.

Tính tới tháng 3.2011, cả thế giới có khoảng 30,534.5 tấn vàng. Trong đó, các nước năm 27,219.8 tấn vàng, khối châu Âu (bao gồm cả ECB) nắm giữ 10,957.7 tấn vàng, Mỹ nắm giữ 8,133.5 tấn vàng.

Dự báo về thị trường vàng trong thời gian tới, TS.Hiển cho rằng: Giá vàng có thể đảo chiều vào cuối quý II và quý III/2011 khi nền kinh tế thế giới có bước tăng trưởng rõ rệt và đồng USD phục hồi, giá vàng cuối năm có thể giảm xuống mức 1.300 – 1.200 USD/ounce”.

Chứng khoán hấp dẫn hơn bất động sản, vàng, USD?

Với góc nhìn vĩ mô hiện nay ai cũng lo ngại cho TTCK. Việc tăng giá xăng sẽ kéo theo vật giá tiếp tục tăng và hiển nhiên kiềm chế lạm phát 7% càng trở nên quá mơ hồ. Nhiều nhà phân tích cho rằng CPI tháng 4 sẽ vượt 1.5% trong bối cảnh hiện nay.

TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng: Việc Chính phủ đang siết chặt tín dụng và LS cao là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới nguồn vốn vào TTCK. Trong khi TTCK các nước trong khu vực đều tăng trong năm 2010 thì TTCK Việt Nam lại đi ngược xu thế. Một nguyên nhân nữa khiến TTCK Việt Nam giảm điểm, theo ông Hiển, đó là do thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, CPI và LS Việt Nam đầu năm 2011 rất cao là những yếu tố bất lợi cho sự phục hồi của TTCK.


Bảng so sánh mức sinh lời các kênh đầu tư do chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển ước tính.


TS. Hiển phân tích: Năm 2010, VN index giảm 2.04% đi ngược với xu hướng chung của các TTCK mới nổi (EEM). Diễn biến quý I.2011 cho thấy: TTCK biến động khá mạnh: Tính đến ngày 29/3/2011, VN index đóng cửa ở mức 457.88 điểm, giảm 5.8% so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo ông Hiển: TTCK có nhiều kỳ vọng khởi sắc vào thời gian tới khi nền kinh tế thế giới năm 2011 tiếp tục phục hồi (Theo IMF, kinh tế thế giới năm 2011 dự kiến tăng 3.0 – 3.1%) sẽ hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nếu Chính phủ ổn định được CPI và hạ nhiệt LS sẽ tạo động lực mạnh cho TTCK. Bên cạnh đó, “kênh BĐS vẫn rất khó khăn, vàng và USD đang quản lý chặt và khó tăng giá mạnh, sẽ hút nhà đầu tư tham gia mạnh vào TTCK" – TS. Đinh Thế Hiển hi vọng.

Nhận định về xu thế của TTCK năm 2011, ông Hiển cho biết: “Trong quý I/2011, VN index vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp xung quanh ngưỡng 450 – 500 điểm, sẽ có sự đi lên vào giữa quý II và quý III/2011 từ 500 – 550 điểm”. Vào cuối quý II, khi lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suát sẽ có nhiều khả năng giảm xuống mức 12%/năm, đồng thời Chính phủ sẽ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là thời điểm tạo động lực cho kênh đầu tư chứng khoán – Đó là lời khuyên chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, TS. Hiển cũng lưu ý với những ai quan tâm tới thị trường này, bởi “có khả năng xuất hiện khó khăn về tài chính tiền tệ khiến VN index có thể quay lại 500 điểm trong quý IV/2011”.

Tỷ giá USD đạt mức 22.000 – 23.000 VNĐ vào cuối năm 2011?

Tính đến ngày 25/3/2011, tiền đồng đã bị mất giá 6.1% so với USD. Trong khi các nước lo lắng vì đồng nội tệ tăng giá ảnh hưởng tới xuất khẩu thì ngược lại, Chính phủ việt Nam đang ra sức để bảo vệ đồng nội tệ khỏi mất giá.

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam tập trung ổn định thị trường ngoại hối giảm khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa thị trường chính thức và thị trường tự do, ngăn chặn tình trạng đô la hóa. Do đó, tình hình tỷ giá quý I/2011 có phần ổn định trong khoảng 21.000 – 21.500 đồng/USD.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng: “Mặc dù kinh tế vĩ mô sẽ từng bước ổn định nhưng năm 2011 chưa thể giải quyết được tình trạng thâm dụng vốn và thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mặt khác, đồng USD sẽ tăng giá theo sự phục hồi kinh tế Mỹ.

Do vậy, tỷ giá USD sẽ ổn định trong quý II và có xu thế tăng trong quý III và có thể đạt mức 22.000 – 23.000 VNĐ vào giai đoạn cuối năm 2011 tùy vào kết quả ổn định của Chính phủ”.

Cafeland.vn - Theo VTC News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland