Ông Nguyễn Văn Hải. Ảnh: Hoàng Lan. |
- Sau khi có quyết định không dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, tình hình buôn bán đất tại địa bàn huyện hiện ra sao thưa ông?
- Sau cơn sốt, đất Ba Vì hiện đã bình thường trở lại. Người mua không mặn mà, đất hạ giá nên người bán cũng không thiết tha bán nữa. Thực tế, đối với đất thổ cư, người dân cũng chỉ còn mảnh đất để ở nên cũng không thể bán được. Còn nhà đầu tư thì biết rõ, kinh doanh bất động sản không ăn ngay được. Người dân vẫn muốn giữ đất, vì nếu Ba Vì - Hồ Tây được thông qua, đây sẽ là một cơ hội.
- Là lãnh đạo huyện, ông thấy gì từ việc đất Ba Vì tăng giá chóng mặt trong thời gian qua?
- Tôi cho rằng, đất nhích giá là hiệu quả đầu tư của Nhà nước đối với huyện Ba Vì. Trước đây, khu vực này là vùng xa, không có giao thông nhưng nay đã có đường Láng Hòa Lạc chạy qua. Cơ sở hạ tầng có thì đương nhiên kinh tế xã hội phải cải thiện và kèm theo đó là giá đất lên.
Theo tôi, ngay cả khi Nhà nước không đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì giá đất vẫn lên. Nhiều người ở trung tâm Hà Nội vẫn muốn sở hữu nhà nghỉ dưỡng ở Ba Vì để thư giãn vào dịp cuối tuần. Bởi thực tế, đường xá bây giờ đã tốt hơn rất nhiều, đường Láng Hòa Lạc, to rộng, đi ôtô từ Yên Bái đến Hà Nội chỉ mất khoảng một tiếng. Tôi cho rằng, cơ quan Nhà nước không lên thì người dân cũng tìm đến Ba Vì. Môi trường tốt, không ô nhiễm, giao thông thuận lợi thì không có lý gì người dân không đến ở.
Dọc trục đường Láng Hòa Lạc, trung tâm môi giới nhà đất mọc lên không nhiều. Ảnh: Hoàng Lan. |
- Thực tế trong cơn sốt, nông dân đã "bỏ quên" đồng ruộng để đi buôn đất. Nhiều người kiếm bộn tiền nhưng không ít người trắng tay. Ông có nhận xét gì về chuyện này?
- Qua cơn sốt, đời sống của nhiều người dân ở một vài xã cũng được cải thiện. Họ có thêm kinh phí để chuyển đổi cơ cấu đầu tư. Hôm nay làm vườn, mai làm trang trại, ngày kia mua bò về nuôi. Về cục bộ, đời sống người dân Ba Vì được cải thiện. Còn xét về diện rộng của xã hội, người này được, thì người kia mất. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bất cứ điều gì sôi động trong một thời gian ngắn cũng khó tránh khỏi những tổn hại.
- Nghe đồn cũng có trường hợp nhà đầu tư khóc dở mếu dở cầu cứu ông. Thực hư chuyện này ra sao?
- Cũng có trường hợp này (cười). Có những nhà đầu tư qua điện thoại giới thiệu họ là thế này thế kia. Họ nói mua đất không chính thống ở gần công nông lâm trường, qua buôn bán trao tay. Những trường hợp này tôi cũng chịu. Tôi chỉ biết nói bác mua đất ở khu vực đó thì hỏng rồi. Tôi vẫn khuyến cáo nhà đầu tư phải mua đất thổ cư, có bìa đỏ không nên mua đất thuộc diện quy hoạch nhưng họ không nghe thì đành chịu.
- Bộ Xây dựng và Hà Nội có quan điểm không đồng nhất về viêc chọn Ba Vì là nơi đặt trung tâm hành chính quốc gia. Ông đánh giá thế nào về luồng quan điểm trái chiều này?
- Tôi là người dân Ba Vì, nên tôi thích chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên đây hơn. Tuy nhiên, chuyển lên hay không là quyết định của Nhà nước. Khi đưa phương án này không phù hợp, Nhà nước sẽ phải tìm phương án khác. Đó là chuyện bình thường. Quan điểm xã hội phải như thế. Trục Ba Vì- Hồ Tây vẫn còn đang trên bàn nghị sự, đó là vấn đề vĩ mô thuộc quyết định của Nhà nước, không thuộc thẩm quyền của huyện. Huyện chỉ dám khẳng định rằng, nếu khu vực nào được Nhà nước đầu tư hạ tầng thì đương nhiên kinh tế xã hội khu vực đó sẽ lên.