Hiện có hàng loạt dự án chậm, giãn, hoãn tiến độ triển khai do lượng tiền đổ vào BĐS bị hạn chế. Thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng do chịu tác động và chi phối bởi một loạt các chính sách liên quan đến chống lạm phát.
Nhà đầu tư BĐS khó “cầu cạnh” được vốn từ ngân hàng

Hiện hàng loạt các dự án BĐS đang bị chậm tiến độ do thiếu vốn.

Thời điểm này, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đang phổ biến ở mức 18-20%. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng đã tăng thêm 15% từ đầu năm đến nay. Tình thế đó đã đẩy nhiều doanh nghiệp BĐS khốn đốn với bài toán tìm nguồn vốn.

Doanh nghiệp tìm cách xoay vốn


Để xoay sở trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, giãn tiến độ hoặc hoãn không triển khai dự án. Thậm chí, có doanh nghiệp đã tìm mọi cách để thế chấp tài sản đảm bảo, có khi bằng cả công trình đang triển khai mà không được giải ngân.

Tín dụng thắt chặt không chỉ ảnh hướng đến nhà đầu tư mà chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi cơ cấu vốn của chủ đầu tư bao gồm vốn vay từ các tổ chức tín dụng và nguồn vốn huy động từ hình thức hợp tác kinh doanh. Trong khi nguồn vốn tự có của nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phần lớn đang nằm đọng trong BĐS, khả năng bán được sản phẩm không cao, nguồn vay bị hạn chế, nhà đầu tư dù tìm đủ mọi cách để xoay vốn nhằm duy trì và tái xây dựng vẫn không tìm được lối thoát.

“Chúng tôi phải chấp nhận lãi cao nhưng vẫn không dễ vay tiền ở ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đang có xu hướng dâng cao lãi suất vay tiêu dùng và rút ngắn kỳ hạn cho vay. Hiện nay các ngân hàng đang cho vay với lãi suất 18-20% để đầu tư sản xuất kinh doanh, với mức lãi suất này thì dù có được vay để tiếp tục triển khai dự án thì nợ lãi ngân hàng hàng tháng cũng đủ mệt rồi”, - một nhà đầu tư than.

“Nếu thị trường cứ tiếp tục như hiện nay, sẽ có khoảng 90% chủ đầu tư chọn phương án dừng triển khai dự án bởi có tiếp tục làm trong bối cảnh này không có lợi nhuận nữa. Đây sẽ là trở ngại về nguồn cung trong những năm tới”, - nhà đầu tư này nói thêm.

Anh Phan Bình, một nhà đầu tư cá nhân tại Quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, anh đang đầu tư vài mảnh đất nền dự án tại khu vực này từ cách đây 3 tháng. Vốn đọng ở đây quá lâu, giờ anh muốn bán đi để lấy lại tiền nhưng không bán được. Trong khi nợ ngân hàng đã đến ngày trả. Cả tuần nay anh cầm giấy tờ nhà đôn đáo đến mấy ngân hàng khác vay 2 tỷ đồng để trả nợ bạn bè và thanh toán tiền đã vay mà không được.

“Đến đâu, nhân viên của ngân hàng cũng chỉ xem hồ sơ rồi trả lời, bên họ đang thực hiện chính sách hạn chế cho vay BĐS và hẹn khi khác quay lại”, - anh Bình nói thêm.

Nhiều dự báo mới đây đã chỉ ra rằng, trước mắt nguồn vốn để kích cầu sẽ không có. Vì bài toán ổn định kinh tế vĩ mô chống lạm phát vẫn còn không chỉ trong năm nay mà còn tiếp tục trong năm sau. Vì vậy, nhà đầu tư không thể trông chờ vào một cuộc giải cứu về vốn để kích cầu như 2008-2009 cho BĐS.

Lãi suất cho vay lên tới 27%

Không ít ngân hàng đang “toát mồ hôi hột” chạy đua nước rút để đưa tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% trước 30/6, đồng thời hạn chế tối đa việc cho vay bằng cách nâng lãi suất lên cao và siết chặt điều kiện. Ngân hàng nào cũng phải điều tra thật kỹ lưỡng tài sản đảm bảo của khách mới dám cho vay. Nguyên nhân chủ yếu đối với việc cho vay BĐS là một trong những hình thức có thủ tục xét duyệt hồ sơ khắt khe nhất do hàm chứa rủi ro.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank từng phát biểu với báo giới, tổng dư nợ tín dụng phi sản xuất của ngân hàng này đến giờ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn dưới 22%. Nhưng HDBank hiện nay gần như đóng cửa hoàn toàn với cho vay BĐS kinh doanh, còn với khách có nhu cầu mua nhà để ở thì còn cơ hội. Đối tượng được xem xét vay phải là người mua nhà lần đầu tiên; có đủ điều kiện để trả nợ vay... Nhưng số đối tượng này không nhiều bởi rất ít trường hợp thỏa mãn được điều kiện mà ngân hàng họ yêu cầu.

Theo thông tin từ các ngân hang, hiện lãi suất cho vay của họ đang ở mức 18- 22%. Tuy nhiên, lãi suất trên chỉ mang tính tham khảo. Mức cụ thể sẽ căn cứ vào hồ sơ và giá trị tài sản đảm bảo của khách hàng. Thường mức lãi sẽ dao động khoảng 23,8% đối với đất nội thành, đất vùng ven cao hơn, khoảng 24,1%. Thậm chí, một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay có thể lên tới 27%. Dẫn tới không ít doanh nghiệp không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Tại thời điểm này, có rất ít nhà phân tích đưa ra nhận định về diễn biến của thị trường trong thời gian tới. Tình hình kinh tế vĩ mô sẽ bình ổn lại khi nào chúng ta còn chưa biết. Nếu thị trường tiếp tục đứng im trong khoảng 3-4 năm nữa mà đi vay ngân hàng chắc chắn sẽ thất bại. Còn ở thời điểm hiện nay, vay ngân hàng đầu tư BĐS với lãi suất lên đến 25% là quá rủi ro.

Khi ngân hàng nới lỏng tín dụng ra thì thị trường lại sôi động trở lại. và mua BĐS ở thời điểm trầm lắng sẽ là cơ hội về sau khi giá địa ốc lên. Nhưng khi thị trường trầm lắng, lãi suất lên cao, chỉ những người có tiền nhàn rỗi và có nhu cầu thực mới nên đầu tư vào BĐS.

Theo Tầm nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0