CafeLand - Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn ở các phân khúc bất động sản có khả năng vận hành và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo đánh giá sự tác động của Covid-19 với hoạt động đầu tư bất động sản, trong đó dự báo hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 vì các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn. Bán lẻ và khách sạn là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà đầu tư sẽ nghiêng về tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập và khả năng vận hành.

Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cần tập trung chuẩn bị cho tăng trưởng chậm và có thể kéo dài. Ảnh minh họa

Thời gian qua, sự hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch. Trong ngắn hạn, tỷ lệ lấp đầy của ngành này sẽ giảm. Các thị trường có tỷ lệ khách quốc tế cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các khu vực có thể phục vụ du khách trong nước có thể bị ảnh hưởng ít hơn.

JLL dự báo, thị trường khách sạn và du lich có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn.

Với thị trường bán lẻ, các nhà bán lẻ toàn cầu phải chuẩn bị để bước vào giai đoạn rủi ro cao đối với dòng tiền và tăng chi phí vận hành phát sinh do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bảo vệ dòng tiền vẫn rất quan trọng đối với tất cả các nhà bán lẻ, đặc biệt đối với những nhà đầu tư có biên lợi nhuận mỏng. Các nhà bán lẻ có tiềm lực mạnh mẽ để vận hành tốt kênh bán hàng trực tuyến và xây dựng mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt sẽ hưởng lợi lâu dài.

Dịch bệnh làm trì hoãn hoạt động đầu tư ở thị trường văn phòng và tăng trưởng cho thuê sẽ chậm hơn so với dự báo trước đây. Số người làm việc từ xa tăng, có khả năng làm giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng, do đó các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn sẽ là đối tượng dễ bị thiệt hại nhất.

Về lâu dài, tình hình dịch bệnh có thể thúc đẩy đầu tư vào các sản phẩm công nghệ giúp nhân viên làm việc từ xa hơn là các văn phòng truyền thống.

Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động lớn tới lĩnh vực công nghiệp và hậu cần. Hoạt động giảm tại các cảng và sân bay cửa ngõ chính sẽ dẫn đến giảm hiệu suất tài sản.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có thể đẩy nhanh ứng dụng tự động hóa và robot trong các hoạt động và làm giảm sự phụ thuộc vào con người. Người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trực tuyến cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu về không gian hậu cần.

Với bất động sản nhà ở, JLL đánh giá đây vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Theo đơn vị này, việc đánh giá tác động trực tiếp của Covid-19 là tương đối dễ thấy dựa trên số sự kiện bị hủy bỏ, các văn phòng và nhà máy tạm đóng cửa, lệnh cách ly và hạn chế đi lại - những tác động gián tiếp vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Báo cáo của JLL cho biết, các thành phố và quốc gia có số lượng ca nhiễm cao nhất chắc chắn sẽ cảm thấy tác động trực tiếp mạnh nhất, nhưng tất cả các khu vực khác cũng sẽ trải qua các tác động gián tiếp, như là giảm khách du lịch, đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc thậm chí là sự thay đổi cách người dân sống và làm việc.

“Thay vì đặt cược vào bất kỳ dự đoán táo bạo nào, nhà đầu tư hãy tập trung chuẩn bị cho tăng trưởng chậm và có thể kéo dài”, đơn vị này nhấn mạnh.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.