Vào khoảng cuối năm 2011, các chuyên gia đã dự báo thị trường bất động sản (BĐS) sẽ khởi sắc vào cuối năm 2012. Dự báo này căn cứ vào những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường của các cơ quan quản lý trong đó tìm mọi cách khơi thông nguồn vốn cho bất động sản. Chẳng hạn, nếu trước đây tính BĐS vào phi sản xuất, thì năm 2012 sẽ được xem xét lại cho phù hợp hơn.
Bên cạnh được cho vay mua nhà để ở, xây nhà bảo đảm an sinh xã hội như cho công nhân thuê, nhà xã hội... thì năm 2012 ngân hàng sẽ cho vay thêm đối với đối tượng hoàn thiện công trình nhà ở trong năm. Ngoài ra, những người vay mua nhà để ở cũng sẽ được cân nhắc, xem xét. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét đối với một số khoản nợ BĐS do doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong thời buổi thắt chặt tiền tệ. NHNN cũng sẽ có hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu nợ đối với những DN để họ đỡ áp lực tài chính với DN và ngân hàng...

Những động thái đó đã khiến giới kinh doanh BĐS le lói hy vọng. Thế nhưng, thực tế là, những nỗ lực tháo gỡ thị trường nói trên với những nhiêu khê trong thủ tục, thẩm định đã hầu như không tác động nhiều đến thị trường. Hay nói cách khác, nó đã không đủ mạnh để làm thị trường chuyển động và khiến nhiều nhà đầu tư “mừng hụt”. Cho đến thời điểm này, thị trường BĐS gần như chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự vực dậy. Thậm chí, ở phân khúc nhà ở chung cư, đất nền dự án, giá tiếp tục rớt thê thảm trong khi người mua vẫn bặt tăm. Thử dạo quanh những sàn BĐS của Hà Nội tập trung tại các địa điểm như: Khuất Duy Tiến, Trung Hòa - Nhân Chính, Nguyễn Thị Định, Mỹ Đình… tất cả đều chung một không khí vắng lặng đìu hiu. Hầu hết các sàn đều mở cửa hoạt động “lấy ngày” rồi tiếp tục… đóng cửa.


Rõ ràng, vấn đề của thị trường BĐS lâu nay vẫn là câu chuyện thiếu vốn. Tại một cuộc họp mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã nhấn mạnh, so với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường BĐS từ đầu năm 2011 trở về trước thì những phản ánh của DN về tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần rà soát và đánh giá lại. Do vậy, trong năm 2012, NHNN vẫn kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, chủ yếu tập trung vào kiểm soát cho vay đầu tư BĐS để thị trường BĐS phục vụ nhu cầu thực chất của người dân.


Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam đặt ra mục tiêu làm sao khơi thông nguồn vốn để DN BĐS tiếp tục hoàn thiện các dự án đang dở dang, khôi phục thị trường và lấy lại lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, thị trường BĐS cần phải tự tìm cho mình những kênh huy động vốn mới, tránh sự lệ thuộc quá lớn vào hệ thống ngân hàng, khả năng tiếp vốn để hoàn thiện dự án hướng tới các phân phúc nhà hợp lý, xây dựng các kênh huy động, nguồn lực quan trọng và khả thi, để tiếp tục tạo nguồn cung nhà ở.


Được biết, vào tháng 3-2012, Bộ Xây dựng sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó đề xuất hai mô hình của quỹ, gồm quỹ tiết kiệm cho những người mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội và quỹ tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nhiều DN tỏ ý lo ngại rằng, để Quỹ tiết kiệm nhà ở trở thành hiện thực và tác động tích cực được đến thị trường có thể cần một thời gian dài. Và như vậy, đến thời điểm này giới kinh doanh BĐS vẫn chưa thấy tia sáng cuối đường hầm.

Theo Bích Quyên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.