01/01/2012 1:26 AM
Từ nay đến quý II/2012, thị trường nhà đất khó có thể bớt ảm đạm khi chính sách về tiền tệ hiện còn đang khóa chặt với địa ốc

Khi được hỏi về dự báo thị trường nhà đất năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, nói: “Nếu không mạnh dạn thay đổi cách làm hiện nay thì đừng tính đến mức lợi nhuận bao nhiêu, mà chỉ nên nghĩ đến việc doanh nghiệp còn tồn tại được mấy năm nữa…”.

Khó khăn chồng chất

Dù Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo bắt đầu mở van tín dụng cho một số loại hình bất động sản (BĐS) nhưng không phải ai cũng được vay và cũng chưa ai dám mạnh tay vay tiền với mức lãi suất như hiện nay, trung bình từ 20% đến 25%/năm. Theo giới thạo tin, trong 2 quý đầu năm 2012, các ngân hàng sẽ tiếp tục “nhốt” tiền, như vậy ít nhất phải sau tháng 6-2012, các doanh nghiệp và người có nhu cầu vay tiền mua nhà mới cảm thấy dễ chịu hơn.


Cảnh đặt cọc mua bán nhà đất nhộn nhịp như vậy sẽ khó tái diễn trong năm 2012. Ảnh: VẠN XUÂN
Về phía doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, ngoài việc cần có nguồn vốn của ngân hàng “bơm” vào dự án thì nguồn tiền của các khách hàng góp vốn mua BĐS xem ra cũng rất quan trọng bởi suy cho cùng bản chất của thị trường BĐS chính là việc các doanh nghiệp chuyển nợ của mình lại cho khách hàng. Như vậy, để hút khách chắc chắn ngoài việc giảm giá thành BĐS để đưa về sát giá trị thật, doanh nghiệp phải có những chính sách hậu mãi tốt hơn để giữ chân khách hàng. Ông Trịnh Vĩnh Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty An Cư Lạc Nghiệp, cho rằng: “Năm 2012, rào cản lớn nhất của hoạt động bán BĐS chính là việc khách hàng so sánh mức giá giữa các sản phẩm được bán ra, doanh nghiệp nào tung ra sản phẩm hợp lý chắc chắn sẽ thắng lớn…”.

Dù ai cũng nhìn thấy bài toán muốn bán được hàng thì phải chấp nhận lãi ít, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể giảm giá hơn nữa. Bởi trước đây khi thị trường “nóng sốt”, nhiều doanh nghiệp đã chi mạnh tay để có được dự án, do vậy việc bỏ chi phí quá nhiều vô tình không thể kéo giảm giá thành xuống thấp. Tại buổi hội thảo mới đây của Hiệp hội BĐS TPHCM, đa số doanh nghiệp cho rằng: Vị trí nhà đất dù không đẹp và ở các quận ven TP thì với giá bán ra 12-13 triệu đồng/m2, doanh nghiệp chỉ mới hòa vốn chứ chưa thể có lời. Còn ở các “điểm nóng” như: quận 1, 3, 5, khu Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm… thì mức giá phải từ 18 - 20 triệu đồng/m2.

Không tắt hy vọng

Dù thực tế còn nhiều khó khăn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng bi quan, bởi thành quả của một số dự án chào bán trong năm qua đã thành công vượt sức tưởng tượng. Đơn cử như dự án An Tiến, huyện Nhà Bè, khi chủ dự án mạnh dạn giảm mức giá căn hộ chỉ còn 14,4 triệu đồng/m2, chỉ trong vòng một tháng gần 500 căn hộ đã được bán sạch. Còn tại dự án New Sài Gòn, huyện Nhà Bè, khi nhà đầu tư thứ cấp chấp nhận giảm giá còn 15,5 triệu đồng/m2 thì trong vòng 2 tuần, hơn 100/170 căn hộ mà đơn vị này mua lại của chủ đầu tư đã có chủ.

Trước những con số khá ấn tượng này, ông Lê Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, “bật mí”: Sau Tết Nguyên đán, đơn vị chắc chắn sẽ có những chiến lược bán hàng gây sốc và khách hàng sẽ là người thụ hưởng, bởi chiến lược kinh doanh mới là đưa căn hộ đến tay người có nhu cầu ở thật sự với mức giá hợp lý, tiến độ thanh toán mà họ có thể chấp nhận được…

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác vẫn tiến hành khởi công các dự án BĐS và chờ “băng” tan. Theo các doanh nghiệp, trong thời điểm này mà vẫn khởi công dự án là cố gắng rất lớn của các chủ đầu tư. Về vốn thì có thể là vốn tự có của các doanh nghiệp hoặc liên doanh với các doanh nghiệp khác theo kiểu bên có đất, bên có vốn xây dựng công trình. Điều này thể hiện tiềm lực của nhà đầu tư, không bị phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về đầu tư tài chính, nếu các nhà đầu tư dồn hết vốn cho những dự án địa ốc trong thời điểm hiện nay và kỳ vọng cuối năm nay hoặc đầu năm 2012 thị trường địa ốc sẽ “sáng” hơn để bán căn hộ thì rõ ràng họ đang “đánh cược” với thị trường. Trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng giữa năm 2011 thị trường địa ốc sẽ tan “băng” nhưng cho đến thời điểm này, thị trường không những không sáng sủa mà còn ảm đạm hơn trước.

52% kiều hối đổ vào nhà đất

Thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy có tới 52% nguồn kiều hối đổ vào BĐS. Năm nay, nguồn kiều hối của kiều bào gửi về Việt Nam đạt trên 9 tỉ USD, tăng gần 1,5 tỉ USD so với năm 2010. Rõ ràng, số tiền gần 5 tỉ USD này được ví như “bình ôxy” hà hơi tiếp sức cho thị trường BĐS lúc này. Và đây cũng là minh chứng cho việc kiều bào đã nhìn thấy cơ hội đầu tư khi nhiều dự án BĐS Việt Nam đã giảm về mức giá hấp dẫn.

Theo Tường Nguyên (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.