Một khu nhà trọ công nhân trong khu dân cư tại KCN Bắc Thăng Long
Trong cuộc họp rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội hồi cuối tháng 7, đại diện Sở Xây dựng cho biết hiện có hàng loạt nhà ở dành cho công nhân không có người ở. Cụ thể là tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân thuộc ô đất NO-02, NO-03 (xã Kim Chung, Đông Anh) do Tổng Công ty CP Vinaconex làm chủ đầu tư, có rất nhiều nhà ở bỏ trống. Cụ thể, tại 6 đơn nguyên thuộc khu vực này có tới 2.700 chỗ ở còn trống gây lãng phí, xuống cấp.
Trao đổi về thực trạng này, ông Lê Thanh Uyên – Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, đúng là trước đây Khu Công nghiệp Thăng Long đã từng rơi vào cảnh thiếu chỗ ở trầm trọng cho công nhân. Chính vì thế lao động tại khu công nghiệp buộc phài “tràn ra” thuê trọ trong nhà dân. Mặc dù sau đó Hà Nội đã xây dựng hàng loạt nhà ở cho công nhân theo dạng ký túc xá, tuy nhiên sau đó nhiều doanh doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động và sản xuất do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế dẫn tới số lượng lao động tạm trú trên địa bàn giảm đáng kể. Ông Uyên đưa ra thống kê: “Lúc cao điểm nhất, xã chúng tôi quản lý tới gần 30.000 lao động làm việc trong khu công nghiệp. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, con số này chỉ còn lại khoảng 15.000. Rất nhiều công nhân đã nghỉ việc về quê hoặc chuyển đi làm việc ở nơi khác. Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng nhà cho công nhân bây giờ mới hoàn tất, vậy nên việc thiếu vắng người đến thuê ở là chuyện đương nhiên”.
Cũng theo ông Uyên, hiện đang tồn tại thực trạng công nhân không mặn mà với việc thuê trọ tại đây mà vẫn chọn giải pháp thuê trọ trong nhà dân. Lý do bởi tại các khu nhà dành cho công nhân dù chất lượng có nhỉnh hơn nhưng họ lại bị quản lý quá chặt: “Công nhân lao động phần lớn đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Họ có nhu cầu đi chơi, tụ tập, giải trí… mà các ban quản lý khu nhà khống chế thời gian đi về là việc khiến họ rất khó chấp nhận. Ngoài ra việc tiếp bạn bè, người thân đến thăm cũng bị giới hạn, kiểm soát hoặc phải vào khu tiếp khách riêng nên mất đi sự riêng tư. Đây có lẽ là mấu chốt khiến các dự án nhà ở cho công nhân không thu hút được người đến ở”.
Bà Lê Thị Thanh Hường – Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội, nơi chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ khu nhà ở công nhân tại đây cho biết: “Dự án thí điểm nhà ở công nhân tại xã Kim Chung có tổng diện tích sử dụng đất là 20ha với 24 đơn nguyên gồm 1.084 phòng có thể phục vụ gần 1vạn chỗ ở. Tuy nhiên thực tế hiện nay chúng tôi mới chỉ cho thuê được 16 đơn nguyên, số còn trống tương đương 3.666 chỗ ở. Theo kế hoạch, khi các khu nhà ở này đưa vào sử dụng thì kèm theo cả các công trình phụ trợ phục vụ dự án như nhà trẻ mẫu giáo, công viên cây xanh, bãi đỗ xe tập trung. Thế nhưng quỹ nhà đã đưa vào vận hành được 6 năm nay, nhưng các hạng mục trên vẫn chưa hề có. Đó là chưa kể đến thiết kế của khu nhà NO-01 và NO-02 khi đưa vào khai thác không phù hợp với thực tế. Đơn cử như một phòng ở sức chứa hơn 20 công nhân nhưng khu phụ lại quá nhỏ chỉ có 2 chậu rửa mặt, 2 bệ xí nên không đáp ứng được. Công nhân đi làm theo ca, ví dụ 7h sáng tất cả đều dậy đi làm mà người này cứ chờ người kia để vào vệ sinh cá nhân thì sẽ muộn giờ”.
Cũng theo bà Hường, việc khắc phục những sự cố, hỏng hóc tại các khu nhà ở công nhân được tiến hành rất chậm. Trong tổng số 24 đơn nguyên đã bàn giao cho xí nghiệp quản lý thì có đến 15 đơn nguyên vẫn đang trong thời hạn bảo hành. Tuy vậy, khi sự cố xảy ra như tắc đường nước thải, hỏng mạng lưới cấp nước sinh hoạt… xí nghiệp phải gửi rất nhiều văn bản mới được chủ đầu tư xây dựng xử lý. “Giải pháp từ phía xí nghiệp quản lý đưa ra để khắc phục tình trạng bỏ trống nhà ở hiện này là sẽ cải tạo bổ sung thiết bị tại 14 đơn nguyên phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Trước đây chưa có chủ trương cho thuê nhà đối với các đối tượng là công nhân đang ở theo cặp vợ chồng và có thêm con cái, chúng tôi sẽ đề xuất thay đổi chủ trương này nhằm khai thác tối đa tài sản nhà nước và tạo những điều kiện ăn ở tốt nhất cho tất cả các đối tượng là công nhân tại khu công nghiệp”- bà Hường nói.
-
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án gây lãng phí nguồn lực, gây bức xúc dư luận
Trong số các dự án trì trệ gây lãng phí được Thủ tướng Chính phủ nêu ra có bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở hai, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM.
-
Phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai sẽ là “trợ lực” lớn cho phát triển kinh tế
Đất đai hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất, do đó, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới....
-
Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ tài sản công, nhất là đất công, tránh tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư trụ sở mới nhưng...