28/06/2018 8:41 AM
Sụt lún, hệ thống PCCC gần như tê liệt, chất thải xả thẳng ra môi trường xung quanh… là thực trạng đang xảy ra tại nhiều khu chung cư tái định cư.

Có thể nói, chung cư tái định cư là “điểm đen” của Hà Nội về chất lượng công trình xây dựng và quản lý đô thị. Bởi, không ít tòa nhà, khu chung cư tái định cư dù được đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Sự bức xúc của cộng đồng cư dân càng gia tăng khi các hạng mục hư hỏng đó kéo dài từ năm này qua năm khác mà không được cơ quan, ban ngành nào khắc phục, xử lý. Với thực trạng như “đang bị bỏ rơi” này, câu hỏi được đặt ra là, ai đang quản lý nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố?

Bể phốt lộ thiên tại nhà N6 Khu tái định cư Đồng Tàu.

“Sống trong sợ hãi”

Sụt lún, hệ thống phòng cháy, chữa cháy gần như tê liệt hoàn toàn, chất thải của người dân xả thẳng ra môi trường xung quanh… là thực trạng đang xảy ra tại nhiều khu chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội như Đồng Tàu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai); Láng Thượng (quận Đống Đa), Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân)...

Hơn 10 năm trước, tin tưởng vào chủ trương, chuyển đến nơi ở mới sẽ tốt hơn, ít nhất cũng bằng nơi ở cũ, ông Trần Văn Công và nhiều hộ dân ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng không một chút do dự khi bàn giao mặt bằng để xây dựng cầu Vĩnh Tuy, về ở khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai.

Nhưng niềm tin ấy, nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng lớn, khi cơ sở hạ tầng, chất lượng các hạng mục tòa nhà vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp “không phanh”, nhất là dãy ki-ốt khu vực tầng 1, tòa nhà A1 có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ám ảnh về cuộc sống mới nhếch nhác, bẩn thỉu, đầy bất ổn… cư dân tái định cư Đền Lừ liên tục làm đơn kêu cứu, nhưng các ban ngành liên quan cũng chỉ sửa chữa qua loa, vá víu theo kiểu “đau dạ dày lại chữa bệnh ngoài da”.

Ông Trần Văn Công nói: “Thật sự chúng tôi rất bức xúc. Nhiều lúc chúng tôi có cảm giác như mình là dân ngụ cư, chứ không phải cư dân của thành phố, rất tủi thân. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cấp nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng cũng chưa được giải quyết. Chúng mong làm sao chính quyền quan tâm, có biệt pháp xử lý tồn tại này”.

Tai tiếng không kém khu tái định cư Đền Lừ là khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Tất cả 10 tòa nhà ở đây đều bị sụt lún, tạo nên những hàm ếch lớn, có nơi rộng 20-30cm. Nguy hiểm hơn, tầng 1 của một số tòa nhà tại khu chung cư này đã xuất hiện các “hố tử thần” rộng hàng chục m2, có thể nuốt chửng cả chiếc ô tô.

Bậc tam cấp tại một tòa nhà tái định cư.

Ông Hồ Dũng Hiệp, Tổ trưởng Tổ dân phố 30B, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, do chất lượng thi công không đảm bảo, nên 7 nhà sinh hoạt cộng đồng trong tổng số 10 nhà không có khả năng sử dụng; thang máy có 3 thì hỏng 2, có 2 thì hỏng 1; hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng chỉ trưng bày cho có.

Thực trạng xuống cấp, hư hỏng kéo dài đã “đẩy” cư dân tại khu tái định cư Đồng Tầu luôn trong tình trạng lo lắng, bất an: “Người dân sống trong tòa nhà lúc nào cũng trong tâm trạng lo âu, sợ có vấn đề gì xẩy ra, nhất là cháy nổ anh hưởng đến tính mạng con người.

Ở đây chúng tôi muốn hỏi trách nhiệm, sự quan tâm của thành phố Hà Nội đối với cư dân tái định cư chúng tôi hiện nay? Bây giờ nói về một khu dân cư văn hóa, văn minh đô thị thì cảnh quan như thế, các hạng mục công trình ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thế thì dân có cuộc sống văn minh đô thị kiểu gì? Cuộc sống vốn rất khổ sở lấy đâu ra thời gian, tâm huyết để tham gia các phong trào nữa”.

Không chỉ bất an với sự xuất hiện của “hố tử thần”, thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... người dân khu tái định cư Đồng Tàu còn phải sống chung với mùi xú uế, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bởi, sau các đợt sụt lún, 2 năm nay, hệ thống thoát nước, bể phốt ngầm của tòa nhà N2 và N6 đã bị nứt vỡ hoàn toàn. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân cứ thế xả thẳng ra môi trường, sân chơi, đường đi lối lại.

Thất vọng vì ở giữa Thủ đô, nơi cách Trung tâm hành chính quận Hoàng Mai chỉ hơn 100m, mà phải sống chung với bể phốt lộ thiên, bà Lý Thanh Thủy, trú tại tòa N6 cho biết, cư dân khu tái định cư Đồng Tàu, nay chẳng còn biết trông cậy vào ai: “Mấy năm gần đây chẳng ai quan tâm đến nữa, bỏ bê luôn. Nhà xuống cấp, cống rãnh bây giờ giềnh thoát nước, tất cả lên trên bề mặt.

Chúng tôi phải sống chung với bể phốt nổi. Có những nhà ở tầng 2 bể phốt phun lên tràn hết vào phòng khách, chậu rửa bát, hỏng hết sàn nhà gỗ. Đến bây giờ chúng tôi cũng nản chí. Không biết phải như thế nào nữa để giải thoát cho mình. Ở phường cũng vào, trên quận cũng sang, thành phố cũng xuống nhưng cuối cùng cũng chẳng thấy giải quyết gì…”.

Điểm đến của những người dân đã chấp nhận nhường đất cho dự án.

Trước thực trạng cuộc sống khó khăn của người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho rằng, chính quyền địa phương cũng như “ngồi trên đống lửa”, nhưng “lực bất tòng tâm”. Bởi, tất cả bức xúc của người dân tại khu tái định cư Đồng Tàu hiện nay, ngoài khả năng xử lý của phường: “Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp cũng chưa được quan tâm giải quyết.

Phòng cháy chữa cháy tại 10 tòa nhà này gần như tê liệt hoàn toàn. Đặc biệt trong mùa nắng nóng này, tình trạng phế thải của các hộ dân chảy thẳng ra ngoài, mà khu vực này lại tiếp giáp với Trạm y tế của phường, nên tình hình dịch bệnh sẽ rất phức tạp. Chúng tôi rất lo lắng”./.

Cuộc sống khó khăn, bất an của người dân tại các khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội như Đền Lừ, Đồng Tàu... là điều không còn phải bàn cãi. Vấn đề cần làm rõ là vì sao những hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đó lại không được quan tâm sửa chữa.

Chính quyền, ngành chức năng Hà Nội nói gì khi người dân đang sống trong sợ hãi? Đây là nội dung được chúng tôi đề cập trong phần sau của loạt phóng sự này.

Huy Nam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.