So với các khu đô thị Xuân Đỉnh, Quang Minh, các dự án Vân Canh, Văn Phú, Văn Quán, Mỗ Lao “ít” tuổi hơn, song tất cả có chung đặc điểm, nhà xây xong đều bỏ hoang vì không người ở.
Theo kết quả kiểm tra 16 dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT) mới triển khai từ các năm 2006 – 2007 trên địa bàn Hà Nội của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) gần đây, có gần 700 căn hộ đang bị bỏ hoang, chiếm tỷ lệ gần 35% trong tổng số các căn hộ đã được xây.

Tuy nhiên, khảo sát thực địa, phóng viên Báo Đầu tư đã ghi nhận được thực tế số nhà bỏ hoang, không được sử dụng tại không ít dự án lên đến 90%!


Tại dự án KĐT Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), có gần 200 căn biệt thự, nhà liền kề đã xây xong phần thô hoặc đang hoàn thiện mặt ngoài nhưng không có bóng dáng người ở trên dự án KĐT rộng hơn 68 ha này. Theo quan sát, dự án hiện mới được triển khai xây dựng trên khoảng 1/3 diện tích nhưng nhiều căn nhà liền kề sau khi hoàn thiện đã xuất hiện rêu mốc. Các khu nhà liền kề bỏ hoang thuộc về các công ty con hoặc đối tác của Tập đoàn Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) như HUD 1, HUD 8, Tasco hay AZLand. Toàn bộ các dãy biệt thự, nhà liền kề tại đây sau khi xây thô xong tầng 1 và tầng 2, máy thi công và công nhân đã rút ra khỏi công trường, để lại cỏ dại bao phủ, tạo nên một cảnh tượng hoang phế trong khu dự án.


Ngoài lý do giới đầu cơ mắc kẹt khi găm vốn vào các bất động sản tại đây, trên thực tế, những người có nhu cầu ở thực, nếu có nhà tại đây, cũng không thể ở được vì hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của Dự án KĐT Vân Canh vẫn chưa hoàn chỉnh. Cả KĐT rộng hơn 68 ha vẫn chỉ có 1 lối vào duy nhất là đường Phương Canh (với chiều rộng không quá 10m), nhưng đã xuống cấp trầm trọng do các xe tải hạng nặng liên tục di chuyển qua đây để phục vụ công trường dự án.


Ông Nguyễn Văn Dương sống tại xóm 7, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thường phải di chuyển qua khu vực dự án cho biết, các biệt thự bỏ hoang không chỉ lãng phí, mà còn là nơi “chứa chấp” kẻ xấu gây ra những phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương. “UBND TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện những nhà bỏ hoang đã có chủ trước khi hết quý II/2011. Nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng. Văn bản này được dư luận rất đồng tình, nhưng đến nay đã hết thời hạn quy định, hầu hết các chủ biệt thự vẫn án binh bất động, trong khi cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp xử lý”, ông Phương đặt câu hỏi.


“Tạm biệt” Vân Canh, phóng viên Báo Đầu tư đã tới KĐT Văn Quán cũng do HUD làm chủ đầu tư. Nằm trên địa bàn quận Hà Đông, KĐT Văn Quán đã được chủ đầu tư hoàn tất và đi vào hoạt động từ 5 năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn có hàng chục khu nhà liền kề đã hoàn thành xây thô không có người ở. Nhiều tấm biển rao bán, cho thuê biệt thự kèm số điện thoại liên lạc của chủ nhân đã bạc màu, rách nát do phơi mưa nắng quá lâu nhưng cũng không có người đoái hoài. Số biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang trong KĐT này cũng lên đến vài chục căn. Nếu quy ra tiền thì đây là một con số khổng lồ vì mỗi căn biệt thự trong dự án này được chủ nhân rao bán với mức giá hàng chục tỷ đồng.


Rất nhiều dự án KĐT mới khác trên địa bàn quận Hà Đông và các huyện của TP. Hà Nội mở rộng cũng tái diễn tình trạng nhà bỏ hoang như KĐT Mỗ Lao, KĐT Văn Phú. Con số biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang tại các dự án này lên đến hàng trăm. Đó là chưa kể các dự án được cấp phép nhiều năm nay vẫn đang trong quá trình xây dựng dở dang như: Làng Việt kiều châu Âu, Booyoung Vina… khiến bộ mặt các KĐT Hà Nội càng thêm nhếch nhác.


Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, việc phát triển mạnh các dự án nhà ở, KĐT mới là hệ quả tất yếu diễn ra của quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, mạnh đến mức nào phải căn cứ vào mức độ tăng trưởng của nền kinh tế và mức tăng thu nhập của người dân. Đầu tư dự án nhà ở theo kiểu phong trào chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Hậu quả trước mắt đã nhìn thấy là có rất nhiều dự án xây rồi… bỏ không, không có người đến ở. Hàng ngàn tỷ đồng đang bị chôn tại các dự án nhà ở, KĐT mới mà không có cách gì rút ra được!
Theo Hà Quang (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland