Dưới áp lực giảm lãi suất cho vay, một số nhà băng đang tìm cách tiếp cận những doanh nghiệp lớn làm điểm nhấn cho lộ trình hạ lãi suất đầu ra.
Nhà băng đua kéo khách hàng đại gia

Trong khi nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất vay đối với cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức giảm 1-1,2%, ABBank lại tung ra gói sản phẩm trọn gói dành cho doanh nghiệp Top VNR 500 - 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo mô hình của Fortune 500 dựa trên tiêu chí doanh thu.

“Chúng tôi dự kiến dành 500 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp trong Top VNR 500 vay với lãi suất ưu đãi (lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp trừ biên độ 0,5%) từ giờ đến cuối năm. Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn nhiều và an toàn”, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank nói.

Theo ông Thanh, bên cạnh việc giảm lãi suất, ngân hàng còn cho các doanh nghiệp này khi có nhu cầu bổ sung vốn lưu động và tài trợ dự án đầu tư, có thể vay tín chấp với hạn mức lên đến 100 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ tín dụng ABBank hơn 14 nghìn tỷ đồng, tổng huy động đạt trên 18 nghìn tỷ đồng. Riêng nhóm doanh nghiệp trong Top VNR 500 chiếm 15,78% tỷ trọng.

Vị phó tổng giám đốc này cho biết thêm, từ khi triển khai chương trình (tháng 4) đến nay, số lượng khách hàng doanh nghiệp thuộc Top VNR 500 đã tăng từ 64 lên 76; số tiền huy động đạt trên 787 tỷ đồng (tăng 185 tỷ đồng); số tiền cho vay đạt 2.200 tỷ đồng (tăng 830 tỷ đồng). "Sáu tháng cuối năm, nhà băng phấn đấu tiếp cận 100 doanh nghiệp mới và đến 2012 sẽ tiếp cận tất cả doanh nghiệp còn lại trong top VNR 500 ", ông Thanh nói.

Ngân hàng Quân đội (MB) không tung hẳn ra gói sản phẩm dành riêng cho nhóm khách hàng lớn, nhưng hôm 1/6 cũng đã cam kết cung cấp hạn mức tín dụng và bảo lãnh tương đương 1.500 tỷ đồng cho Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và các đơn vị thành viên, với lãi suất ưu đãi.

Đối với Ngân hàng Tiên Phong, Tổng giám đốc Đào Trọng Khanh cho biết, bên cạnh khách hàng cá nhân thì doanh nghiệp quy mô lớn cũng là đối tượng được nhà băng quan tâm song song với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Khanh cho rằng, nhóm doanh nghiệp lớn không tạo ra rủi ro riêng lẻ trong hoạt động tín dụng nhưng lại mang đến cho ngân hàng rủi ro tổng thể. "Vì bao giờ họ cũng vay với những khoản tiền rất lớn", ông Khanh nói.

Vị Tổng giám đốc này đưa ra một ví dụ chứng minh, chẳng hạn nhà băng cho 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, khả năng đổ vỡ có thể lên 5% nhưng số tiền mất lại không đáng kể. Trong khi đó, ngân hàng cho 100 doanh nghiệp lớn vay, khả năng đổ vỡ chỉ 1% thì cũng có thể mất một số tiền rất lớn. “Đây chính là rủi ro tổng thể khiến nhiều nhà băng còn e ngại khi tiếp cận nhóm khách hàng này”, ông Khanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Khanh, điểm mạnh của nhóm doanh nghiệp Top VNR 500 là làm ăn ổn định, lâu dài, số liệu kinh doanh tài chính cũng minh bạch, rõ ràng. "Muốn tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng lớn không thể một sớm một chiều mà phải phụ thuộc vào từng thời điểm và mục tiêu riêng của mỗi ngân hàng. Nhưng cái khó khi tiếp cận nhóm này là lãi suất cho vay phải thấp, còn lãi suất huy động thì phải cạnh tranh" ông Khanh nói.

Nguồn vốn từ dân cư trước nay vẫn đều đều, hiện nay lại bị hút mạnh bởi chứng khoán, bất động sản. Còn đối với doanh nghiệp quy mô lớn, họ là những đơn vị lớn nên tài sản tích trữ khá nhiều. Ông Khanh cho rằng, để thu hút vốn từ nhóm này thì ngoài lãi suất huy động phải cạnh tranh so với thị trường, nhà băng phải đưa ra được gói sản phẩm tổng thể như dịch vụ cho vay, thanh toán, và các dịch vụ khác… Về lâu dài, Tienphongbank sẽ có một chiến lược riêng thu hút nhóm đối tượng này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM, nếu thời gian tới, các ngân hàng đều có xu hướng chinh phục nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn ắt sẽ xảy ra cuộc cạnh tranh lãi suất thấp. “Vì bao giờ doanh nghiệp lớn đi vay họ cũng "mặc cả" mức lãi suất thấp nhất có thể. Dần dần sẽ góp phần kéo mặt bằng lãi suất chung về mức thấp. Đây được xem là một xu hướng tích cực”, ông Thuận nói.

Ngoài ra, ông Thuận cho rằng, ngân hàng đóng vai trò khá quan trọng đối với một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, không chỉ giúp cho họ quản lý tài chính mà còn cung cấp những giải pháp tài chính thích hợp, tạo nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp.

Việc chọn lựa ngân hàng có uy tín trong việc tư vấn và quản lý tài chính cho mình là rất quan trọng đối với doanh nghiệp lớn. Đặc biệt đối với các công ty chuyên về xuất nhập khẩu, việc nhà băng có mạng lưới rộng khắp toàn cầu là một hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh của họ.

Theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay thỏa thuận. Mặt bằng lãi suất thỏa thuận hiện đã được điều chỉnh xuống mức 12-14% một năm áp dụng cho khoản vốn vay ngắn hạn và 13-16% một năm với vốn vay trung, dài hạn. Nếu so với tháng trước, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận trong tháng 5 đã giảm trên dưới 1% mỗi năm.

Cafeland.vn
theo Vnexpress

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland