Nếu dựa trên kết quả kinh doanh năm 2012, trong nhóm được 12% dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa các thành viên.
Không ồn ào và căng thẳng như việc thực hiện phân nhóm giao chỉ tiêu như đầu 2012, năm nay cơ chế “trầm” hơn. Ở định hướng chung, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không khoanh vùng theo 4 nhóm như trước, mà căn cứ theo tình hình sức khỏe của các nhà băng.
Một cơ sở quan trọng cho thay đổi này là, trong năm 2012, cơ quan thanh tra giám sát đã vào cuộc thanh tra toàn diện các thành viên để có cái nhìn sát thực hơn. Trước đó, Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 31/1/2013 cũng nêu rõ: năm nay, cơ quan quản lý sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với quy mô, chất lượng tín dụng, khả năng quản lý thanh khoản, khả năng quản trị điều hành của tổ chức đó.
Cũng theo chỉ thị nói trên, về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn của các thành viên và định hướng cả năm tăng khoảng 12%. Điểm đáng chú ý là, mức 12% đó trở thành giới hạn chung cho hầu hết các ngân hàng thương mại thuộc nhóm tốt nhất, khiến họ có thể bất ngờ.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh đầu năm, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và đầu tư ở khoảng 15 - 20%, nhưng sau khi có văn bản Ngân hàng Nhà nước giao, chỉ tiêu tăng tín dụng chỉ còn là 13%, cho dù đây vẫn là một ngoại lệ hiếm hoi so với "trần" 12% của các ngân hàng khác (?).
Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), thành viên có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong năm 2012 (tăng khoảng 27%), dự tính 17% hồi đầu năm cũng trở nên “việt vị” khi chỉ tiêu được nhà điều hành giao chỉ 12%.
Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), mong muốn mở rộng tín dụng cho năm nay là khoảng 30%, tuy nhiên cũng chỉ được 12%. Cá biệt, có ngân hàng nhỏ vừa mới dự tính tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ hơn gấp đôi cả năm ngoái, không rõ có được hay không…
Tại một số ngân hàng thương mại, có thể trùng hợp ngẫu nhiên khi nằm trong nhóm 2 của cơ chế phân loại năm trước, được giao chỉ tiêu tối đa là 10%. Một số thành viên khó khăn, hoặc còn những tồn tại phải giải quyết, thì cho biết hiện vẫn chưa nhận được chỉ tiêu cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước (đây có thể cũng là một cách nói).
Theo ghi nhận của VnEconomy, như vậy, đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013. 12% áp cho nhóm cao nhất, 10% cho nhóm kế tiếp, và các mức thấp hơn, thậm chí có thể không được tăng trưởng tín dụng… cũng là một sự phân biệt thứ hạng trong hệ thống.
Câu hỏi là, liệu thời gian tới việc treo biển “chúng tôi được giao chỉ tiêu tín dụng cao nhất”, hay đại loại thế, trước các phòng giao dịch của ngân hàng nào đó được “hạng” cao có lặp lại như từng xuất hiện trong năm 2012?
Còn với một số thành viên, chỉ tiêu được giao quá thấp so với dự kiến buộc họ phải tính toán lại. Nếu lỡ căn theo mức 17% dự tính ban đầu để cân đối các hoạt động, các đợt giải ngân (và cả cam kết sẽ giải ngân), liệu có xáo trộn kế hoạch không?
Nếu dựa trên kết quả kinh doanh năm 2012, trong nhóm được 12% dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa các thành viên. Vậy thì có tình huống một nhóm vận động viên cân nặng khác nhau cùng nâng một mức tạ hay không?
Có những cây hỏi như vậy. Còn câu trả lời trước mắt, nếu giới hạn đó từ nay đến cuối năm không thay đổi, chắc chắn chỉ tiêu tăng trưởng chung toàn hệ thống không đạt 12% như định hướng.
Mức 12% nhìn chung có thể khó với, khi mà thực tế tăng trưởng tín dụng của hệ thống đang chật vật. Nhưng đó lại là vấn đề khác, ở đây là chuyện cơ chế.