Cụ thể, giá quặng sắt hiện thấp hơn giá nhập khẩu tháng 6 khoảng 100 USD/tấn, giá phôi thép giảm từ 570 xuống 565 USD (tương đương 5%) và tiếp tục xu hướng giảm. Riêng giá thép cán nóng đã giảm tới 15%, từ 650 USD xuống còn 550 USD/tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty SMC phân tích: “DN thép đang chịu sức ép lớn là tiêu thụ chậm, phải giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Nay giá nguyên liệu giảm tạo sức ép giảm giá bán, khiến DN càng lỗ. Chúng tôi đã áp dụng chiến lược quay vòng vốn nhanh nên không lỗ, nhưng hiệu quả kinh doanh sẽ giảm. Với tình hình này thì chỉ cố gắng đến mức tối đa, chứ chưa nói trước được gì về việc hoàn thành kế hoạch năm”.
Còn theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): “Tỷ trọng sản lượng thép xây dựng đang quá lớn so với các sản phẩm thép khác, nên khi dư thừa hầu hết là thép xây dựng. Trong khi đó, tiêu thụ thép xây dựng đã ở mức thấp nhất trong 10 năm qua…”. Cũng theo dự báo của VSA, lượng tồn kho trong 8 tháng đầu năm 2012 có thể lên tới con số khoảng 400.000 tấn/tháng, vượt xa ngưỡng an toàn khoảng 250.000 tấn/tháng.
Thực tế, nhiều nhà máy thép đã phải sản xuất cầm chừng với công suất từ 30 - 45%, nhưng cũng chỉ bán được 70 - 80% sản lượng sản xuất ra. Một số nhà máy như Thép Miền Nam, Tấm lá Phú Mỹ, Gang thép Thái Nguyên, Nhà Bè… phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày để giảm sản lượng. Theo nguồn tin riêng của Đầu tư Chứng khoán, CTCP Thép Việt - Ý, một trong những thương hiệu hàng đầu trên thị trường thép cũng đang có kế hoạch dừng dây chuyền để tiêu thụ bớt hàng tồn.
Ông Phạm Việt Cường, Tổng giám đốc CTCP Thép Sông Hồng xác nhận, hiện Nhà máy Thép Sông Hồng vẫn chưa hoạt động trở lại, bởi lượng hàng tồn kho chưa tiêu thụ hết. “Giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, phế liệu sắt thép nhập khẩu giảm từ 15 - 20 USD/tấn hiện chưa tác động nhiều đến chúng tôi, bởi trước đó giá đầu ra đã giảm để đẩy mạnh tiêu thụ. Giờ giá nguyên liệu có giảm, giá bán cũng khó giảm nữa. Trong khi hàng tồn kho chưa tiêu thụ hết, chi phí đầu vào còn cao hơn chi phí đầu ra thì nhà máy chưa thể khởi động trở lại, nên cũng chưa tính đến chuyện nhập nguyên liệu mới giá rẻ hơn trước…”, ông Cường cho biết.
Thời gian vừa qua, nhiều DN thép đã giảm giá bán 200.000 - 300.000 đồng/tấn như Hòa Phát, Thái Nguyên, Vina Kyoei, Thép Việt, Thép Miền Nam, nhưng trong tháng 8/2012, sản lượng tiêu thụ thép chỉ đạt 350.000 tấn, thấp hơn mức khoảng 500.000 - 600.000 tấn trước đây. Ông Lê Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt Đức cho biết: “Tháng 8, sản lượng thép của Công ty tiêu thụ được 200 tấn, thấp hơn nhiều so với công suất khoảng 300 tấn/tháng thời gian trước”.
Tuy nhiên, trong khó khăn chung, một số DN vẫn kỳ vọng vào hướng đi riêng. Ông Võ Duy Thái, Tổng giám đốc CTCP Pomina cho biết: dự kiến nền kinh tế sẽ trở lại bình thường trong 3 năm tới. Do đó, Công ty đã nâng công suất Nhà máy Thép Pomina 3 lên 2 triệu tấn/năm. Giá thiết bị công nghệ đầu tư trong thời điểm này cũng rẻ hơn 30% so với thời cao điểm. Pomina 3 được đầu tư 300 triệu USD để trang bị hệ thống sản xuất hiện đại của Tenova (Ý) và SMS - Concast (Đức - Thuỵ Sĩ). Đây là công nghệ hàng đầu trong ngành thép thế giới hiện nay, có mức tiêu hao điện bình quân 350 kW/tấn so với mức bình quân của ngành thép Việt Nam hiện khoảng 600 kW/tấn và của ngành thép Trung Quốc khoảng 450 kW. Ước tính, Pomina 3 tiết kiệm được 70 triệu kW điện mỗi năm.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sản xuất - kinh doanh ngành hàng tôn thép với nguyên liệu là thép cán nóng lại đang được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm, do HSG trực tiếp bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, lại có thương hiệu tốt nên sản lượng bán hàng cao, quyết định được giá bán. Tỷ suất lợi nhuận của HSG lại tăng lên khi giá bán giảm chậm hơn mức giảm giá nguyên liệu đầu vào.
Còn các DN có lượng tồn kho lớn, bán ra chậm sẽ thiệt hại nhiều hơn trước diễn biến giá thép nguyên liêu và thành phẩm hiện nay.