Cú sốc mang tên 409 Lĩnh Nam
Dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) còn có tên thương mại là Vinhhung Dominium tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1,2 ha do Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hưng) làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được khởi công ngày 22/1/2011. Từ cuối năm 2010, Công ty Vĩnh Hưng đã tiến hành huy động vốn thông qua Sàn giao dịch bất động sản của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hàng trăm khách hàng đua nhau đổ tiền vào dự án này với hi vọng có được căn hộ trong mơ.
Dự án 409 Lĩnh Nam vẫn cửa đóng then cài sau gần 3 năm khởi công
Sau một thời gian tiến hành khởi công rầm rộ, dự án này bỗng dưng án binh bất động, cả khu đất hơn 1,2 ha cỏ dại mọc um tùm. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1500 tỷ bỗng chốc trở thành một phế tích, hoang phế. Đến lúc này, nhiều nhà đầu tư vào dự án này mới hoảng hốt đi tìm chủ đầu tư để hỏi rõ ngọn ngành.
Tuy nhiên, dù có cố gắng đến đâu, khách hàng cũng không thể tìm được người đại diện của Dự án này – ông Nguyễn Hoàng Long , Chủ tịch HĐTV công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng. Hàng trăm tỉ mà khách hàng đầu tư vào dự án này có nguy cơ bị mất trắng theo hành tung bí ẩn của ông Nguyễn Hoàng Long.
Chị B- một khách hàng mua nhà tại dự án Vĩnh Hưng cho biết: sau khi phát hiện chủ đầu tư không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, chị cùng với hàng chục khách hàng khác đã bỏ công đi đòi lại số tiền đặt cọc ban đầu.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chị B cũng như các khách hàng khác đều rơi vào tuyệt vọng khi chị nhận được thông tin: ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng đã biến mất. Quá trình truy tìm dấu vết của người đại diện dự án, chị B mới nhận ra: canh bạc mang tên dự án 409 Lĩnh Nam mà chị và hàng trăm khách hàng đầu tư đã trắng tay. Nguồn cơn của mọi vấn đề bắt nguồn từ việc giải ngân và chiếm dụng vốn của ngân hàng.
Hàng trăm tỉ đang ở đâu?
Theo điều tra của VietNamNet, do cần vốn để xây dựng Dự án này theo đúng tiến độ, Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công Ty Vĩnh Hưng) đã thế chấp dự án này để vay vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt, chi nhánh Hà Nội (gọi tắt là Ngân hàng Bảo Việt). Tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là 400 tỷ, được giải ngân chia làm 2 đợt (đợt 1 225 tỉ; đợt 2 175 tỷ).
Hội nghị "3 bên" gồm: Công ty Vĩnh Hưng (đại diện là ông Nguyễn Hoàng Long), công ty cổ phần 135 (đại diện là ông Bùi Văn Phú) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (ông Bùi Quốc Vương – Chánh văn phòng HĐQT) đã được diễn ra. Theo thỏa thuận "ngầm", để được giải ngân số tiền 400 tỷ, công ty Vĩnh Hưng phải mua thép của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi (CPXDVPTCN).
Thiếu vốn nhà đầu tư rơi lao đao, hoài nghi về nguy cơ mất trắng, chủ đầu tư cũng lâm cảnh khốn đốn
Ngày 6/12/2012, phía Vĩnh Hưng đã ký hợp đồng kinh tế số 12/2012/HĐKT/CN-VH với Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi để mua thép xây dựng làm mục đích giải ngân. Theo như hợp đồng này thì phía Vĩnh Hưng đồng ý mua 32.000 tấn thép từ Công ty CPXDVPTCN với tổng số tiền là 512 tỷ. Phía Vĩnh Hưng phải tạm ứng trước cho Công ty CPXDVPTCN số tiền 226 tỷ đồng. Sau 5 ngày nhận được toàn bộ số thép theo như hợp đồng, phía Việt Hưng phải thanh toán nốt số tiền còn lại.
Hợp đồng kinh tế này cũng ghi rõ: sau khi phía Việt Hưng có đơn đặt hàng, trong vòng 5 ngày nếu Công ty CPXDVPTCN không cung cấp hàng cho phía Vĩnh Hưng thì phải hoàn trả lại số tiền tạm ứng là 226 tỷ đồng.
Ngày10/12/2012, Công ty CPXDVPTCN đã có văn bản yêu cầu Vĩnh Hưng cho tạm ứng số tiền 226 tỷ như đã ký kết trong hợp đồng kinh tế trước đó.
Theo phản ánh của Công ty Vĩnh Hưng, sau khi hợp đồng này được ký kết, Ngân hàng Bảo Việt đã chuyển số tiền 225 tỉ đến tài khoản của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi nhận được 225 tỷ từ ngân hàng Bảo Việt, Doanh nghiệp Vĩnh Hưng không nhận được thép từ Công ty CPXDVPTCN như hợp đồng Kinh tế mà trước đó, hai bên đã ký kết.
Cho rằng phía đơn vị cung ứng thép cố tình chiếm đoạt số tiền 225 tỉ để sử dụng vào mục đích riêng, phía Vĩnh Hưng đã gửi văn bản yêu cầu đơn vị cung ứng thép hoàn trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng ban đầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía Công ty CPXDVPTCN vẫn cố tình phớt lờ.
Nghiêm trọng hơn, theo như phản ánh thì số tiền 225 tỷ mà phía Bảo Việt giải ngân đã không được sử dụng để mua thép như mục đích giải ngân. Số tiền này, dưới nhiều hình thức đã quay vòng lại cho một số cá nhân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Không nhận được tiền giải ngân, thép cũng chẳng thấy đâu, tuy nhiên phía Vĩnh Hưng vẫn phải è cổ trả khoản lãi suất khổng lồ theo như Hợp đồng tín dụng. Rất nhiều lần, phía Vĩnh Hưng yêu cầu Ngân hàng Bảo Việt và Công ty CPXDVPTCN làm rõ vụ việc này nhưng đều bị khước từ. Phía Vĩnh Hưng cũng đã gửi đơn phản ánh về vấn đề này lên tập đoàn Bảo Việt.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện của Tập đoàn Bảo Việt cho hay: ngay sau khi nhận được đơn thư của Công ty Vĩnh Hưng, tập đoàn Bảo Việt đã có văn bản gửi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đề nghị đơn vị này vào cuộc để giúp đỡ Tập đoàn kiểm tra thông tin về sự việc này.
Để làm rõ những nghi vấn xung quanh vụ việc này, VietNamNet đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo và đại diện của Ngân hàng Bảo Việt. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Bảo Việt đã từ chối trả lời trực tiếp bởi nhiều lí do.
“Chúng tôi đã nắm được thông tin vụ việc này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, chúng tôi đang làm việc để giải quyết, khi nào có thông tin chính thức chúng tôi sẽ thông báo”, Tổng giám đốc Ngân hàng Bảo Việt nói.
Được biết, thời điểm hiện tại, phía Ngân hàng Bảo Việt vẫn chưa chưa bầu được Chủ tịch HĐQT. Cơ cấu lãnh đạo Ngân hàng Bảo Việt chỉ có 4 thành viên HĐQT và 1 Tổng giám đốc.
Nhiều câu hỏi cần được làm rõ
Hàng trăm tỷ đồng mà khách hàng đầu tư vào dự án 409 Lĩnh Nam đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn quanh dự án nhiều bê bối này:
Thứ nhất, số tiền 225 tỉ mà phía Ngân hàng Bảo Việt giải ngân theo Hợp đồng tín dụng được sử dụng vào mục đích gì; số tiền đó hiện đang do ai nắm giữ?
Bảo Việt Bank - Ưu đãi cho vay thỏa sức tiêu dùng?
Việc giải ngân có tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy định cho vay của Ngân hàng nhà nước hay không?
Hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính của Vĩnh Hưng và công ty CPXDVPTCN có đảm bảo hay không?
Việc Công ty Vĩnh Hưng chưa được cấp phép xây dựng từ Sở xây dựng nhưng ngân hàng Bảo Việt vẫn chấp nhận cho Vĩnh Hưng thế chấp dự án này để vay vốn có đúng quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước hay không?
Nếu tiền được chuyển thẳng từ ngân hàng Bảo Việt về cho Công ty CPXDVPTCN thì phía Ngân hàng Bảo Việt đã thẩm định kỹ năng lực tài chính, phương án kinh doanh, kế hoạch trả nợ và thẩm định chất lượng sản phẩm như thế nào?
Ngân hàng Bảo Việt phải chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này? Vì sao Ngân hàng Bảo Việt không có động thái gì khi phía Công ty Vĩnh Hưng phản ánh về việc đơn vị cung cấp vật tư không tuân thủ đúng những điều khoản trong Hợp đồng kinh tế?...
Vì sao trong thời gian dài Ngân hàng Bảo Việt không có và chưa bầu được Chủ tịch Hội đồng quản trị?
Và, nếu như thông tin: một số cá nhân chiếm dụng số tiền này vào những mục đích cá nhân khiến chủ đầu tư và khách hàng điêu đứng thì đây là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, cần phải xử lý kịp thời.