20/03/2018 8:59 AM
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ hợp đồng BOT giữa chừng để đấu thầu lại dự án do nhà đầu tư không huy động được nguồn tín dụng phục vụ công tác thi công.

Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã huy động thiết bị thi công gói thầu XL-02 và XL-03 thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: Phan Tư

Hơn 3 năm khởi động vẫn chưa vay được vốn

Khởi động vào tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành trước năm 2020 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm tải cho QL1, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Tây Nam bộ. Tuy nhiên, dự án đang gặp quá nhiều vướng mắc, khiến mục tiêu hoàn thành trở nên xa vời.

Theo ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), khó khăn lớn nhất là nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng. Cụ thể, doanh nghiệp dự án đã huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu khoảng 1.542,8 tỷ đồng và đã chuyển cho tỉnh Tiền Giang 1.244/1.266 tỷ đồng để phục vụ công tác đền bù GPMB. Chính quyền địa phương đã bàn giao được 49,3/51,4km mặt bằng cho dự án, đạt 96%.

“Tuy nhiên, công tác huy động vốn tín dụng được nhà đầu tư cam kết hoàn thành vào ngày 10/10/2017, đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Thi nói và cho biết, do nhà đầu tư chưa huy động được vốn tín dụng nên công tác thi công trên công trường chỉ cầm chừng, khối lượng mới đạt trên 100 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng do Bộ Tài chính chưa cho phép dự án áp dụng mức lãi suất vốn vay theo quy định của Thông tư 75/2017. Điều này dẫn tới chênh lệch lớn giữa mức lãi suất vay thực tế của các ngân hàng thương mại và lãi suất theo quy định của Bộ Tài chính.

“Nhà đầu tư nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT cho phép huy động nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 958 tỷ đồng và xin gia hạn thời gian hoàn thành thu xếp vốn tín dụng cho dự án đến ngày 31/5/2018”, ông Thi nói.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, việc áp dụng Thông tư 75/2017 của Bộ Tài chính cho dự án là yêu cầu bắt buộc từ phía các ngân hàng tài trợ vốn và điều kiện của nhà đầu tư. “Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đã họp và chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Tuấn Anh, nhà đầu tư chậm huy động vốn tín dụng chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan do lãi suất vay thực tế của các ngân hàng cao hơn so với lãi suất vay quy định trong hợp đồng BOT khoảng 2%. Điều này khiến các ngân hàng lo ngại nhà đầu tư không có nguồn để trả phần bù lỗ.

Nhà đầu tư xin cơ hội cuối

Theo ông Tuấn Anh, dự án đã khởi động hơn 3 năm, nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng vay vốn. “Đối chiếu với quy định của hợp đồng và tính khả thi thực hiện hợp đồng dự án của nhà đầu tư, quan điểm của Vụ PPP là đã đủ điều kiện và chấm dứt hợp đồng dự án với nhà đầu tư”, ông Tuấn Anh nói và đề xuất hai phương án xử lý đối với dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thứ nhất, chấm dứt ngay hợp đồng dự án. Sau khi chấm dứt, Bộ GTVT hoàn chỉnh dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Nhà nước có trách nhiệm hoàn trả phần kinh phí đã thực hiện cho nhà đầu tư trong 2 năm theo quy định của hợp đồng dự án; dự kiến tiến độ thi công hoàn thành dự án theo phương án này vào quý I/2022; Thứ hai, chấp thuận kiến nghị của nhà đầu tư, gia hạn thời điểm ký được hợp đồng tín dụng ngày 31/5/2018, kèm theo điều kiện tăng bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Với phương án này, nếu vay được vốn, dự án hoàn thành khoảng cuối quý II/2021. Tuy nhiên, trường hợp đến ngày 31/5/2018, nhà đầu tư vẫn không vay được vốn, tiến độ dự án sẽ chậm lại khoảng 3 tháng so với phương án 1 (hoàn thành quý II/2022).

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai dự án mới đây, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CPĐT Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII - nhà đầu tư dự án) cho biết, HĐQT CII đã phê duyệt và chấp thuận cho CII phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu và tham gia đầu tư 958 tỷ đồng vào dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

“BIDV đã thẩm định hồ sơ bảo lãnh cho khoản phát hành trái phiếu vào mục đích sử dụng vốn tham gia đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng có văn bản cam kết mua hết số trái phiếu của CII. Chúng tôi mong muốn Bộ GTVT tạo cơ hội cuối cùng là gia hạn thời gian hoàn thành hợp đồng tín dụng cho dự án đến ngày 31/5/2018”, ông Bình đề xuất.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với QL30. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư khoảng 9.600 tỷ đồng, do liên danh: Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty CP Đầu tư xây dựng BMT, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Công ty CP Hoàng An và Công ty CPĐT Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) làm nhà đầu tư.

Tại cuộc họp mới đây liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ PPP và Tổng công ty Cửu Long hoàn thiện báo cáo chi tiết về tình hình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ phương án xử lý. Trong báo cáo cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khiến dự án triển khai rất chậm. Đồng thời, trong báo cáo cũng nêu nguyện vọng của nhà đầu tư, tiến độ triển khai thi công dự án,… để Bộ GTVT xin chủ trương chỉ đạo của Chính phủ xử lý theo hai phương án.

“Thứ nhất, Chính phủ đồng ý với đề xuất của nhà đầu tư, cho phép gia hạn thời gian ký hợp đồng tín dụng đến ngày 31/5. Đến thời điểm đó, nhà đầu tư không thu xếp được vốn, Bộ GTVT sẽ cắt hợp đồng; Thứ hai, Chính phủ đồng ý cắt hợp đồng ngay để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đình Quang (Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.