02/07/2021 7:44 PM
CafeLand - Từ năm 2017, nguồn cung bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam đã tăng trung bình mỗi năm 11% lên hơn 2.200 căn từ 24 dự án vào quý 1/2021, theo Savills Việt Nam.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, các tỉnh và thành phố du lịch như Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh và Khánh Hòa là những địa phương có các dự án bất động sản hàng hiệu đã đi vào hoạt động. Hầu hết là các căn biệt thự cao cấp trên khu đất rộng tới 2.500m2 bên bờ biển, hoặc có tầm nhìn hướng về biển và có hồ bơi riêng.

Các căn hộ bất động sản hàng hiệu hầu hết được cung cấp bởi các chủ đầu tư trong nước. Kiên Giang đang là nơi có nguồn cung bất động sản hàng hiệu cao nhất với 49% nguồn cung tập trung ở đây, Đà Nẵng đứng thứ 2 với 16%. Tiếp đến là một số khu vực khác như Quảng Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa Vũng Tàu.

Khách hàng mục tiêu của loại hình bất động sản hàng hiệu là giới siêu giàu trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài

Đánh giá thêm về giá trị của các tài sản bất động sản hạng sang, ông Troy cho biết, các thương hiệu xa xỉ đã chứng tỏ sức hấp dẫn đối với những người nhà giàu mới nổi, như một minh chứng của sự thành công. Sở hữu một bất động sản hàng hiệu được xem là một sự lựa chọn đáng giá và là một lựa chọn đầu tư thông minh. Người mua căn hộ có thương hiệu được đảm bảo về một sản phẩm chất lượng, nguồn cung hạn chế với giá trị thương hiệu cao cấp.

“Khách hàng mục tiêu của phân khúc này bao gồm giới siêu giàu trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc”, ông Troy cho biết thêm.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án bất động sản cao cấp ngày càng tăng, và ngày càng có nhiều dự án được nhanh chóng được xét duyệt về mặt pháp lý và đầu tư. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đối với các dự án cao cấp có vị trí đắc địa.

Trong khu vực, giá bất động sản hàng hiệu của Việt Nam khá cạnh tranh, đi cùng với đó là triển vọng tăng trưởng vốn, lợi suất hấp dẫn. Chính điều này đang ngày thu hút sự quan tâm của nước ngoài. Theo thống kê, có khoảng 65% người mua bất động sản hàng hiệu là nhà đầu tư dài hạn; 30% là khách thuê, trong khi các nhà đầu cơ chiếm khoảng 5%.

Trước sự phát triển của phân khúc bất động sản hàng hiệu, trước đó Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã lưu ý người mua thận trọng với tiêu chuẩn căn hộ hàng hiệu và hợp đồng mua nhà để đảm bảo an toàn dòng tiền hàng triệu USD.

Theo HoREA, dự án bất động sản hàng hiệu chỉ giải quyết nhu cầu nhà hàng hiệu cho giới nhà giàu rất giàu, siêu giàu và cho các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài cần lưu trú. Tuy nhiên, nếu so sánh với Hoa Kỳ có 1% dân số là người rất giàu, siêu giàu, thì có lẽ ở Việt Nam tỷ lệ này rất rất thấp.

Bên cạnh đó, việc mua để cho thuê lại bất động sản hàng hiệu cũng không phải dễ dàng, vì rất kén chọn khách hàng. Nên thị phần bất động sản hàng hiệu không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng.

Ngoài ra, để được công nhận là bất động sản hàng hiệu, dự án phải đạt tiêu chuẩn rất cao của đơn vị quản lý thương hiệu và không có bữa ăn nào miễn phí. Để được sử dụng tên của hàng hiệu thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán nhà mà người mua phải thanh toán chi phí mượn tên này, kể cả chi phí quảng bá sản phẩm ở trong nước và ở nước ngoài đều được tính đủ vào giá bán nhà.

HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án bất động sản hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.