Năm ngoái, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã nổi lên là nhà sản xuất giá rẻ nhất thế giới, vượt qua cả Ấn Độ và Mexico. Giờ đây, cũng như Nhật Bản và các “con hổ châu Á” trước đó, Trung Quốc đang tìm cách gia tăng chuỗi giá trị khi công dân nước này ngày càng giàu lên.
Trong gần như toàn bộ thập kỷ vừa qua, không thể phủ nhận là Trung Quốc đã trở thành "phân xưởng của thế giới", hút nguyên liệu đầu vào và sản xuất ra các hàng hóa giá rẻ để xuất khẩu ra toàn cầu. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này đang mất dần lợi thế cạnh tranh lớn nhất vốn tạo cơ sở cho lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, đó là lực lượng nhân công giá rẻ dồi dào. Từ đầu năm nay, lương công nhân tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, cộng thêm các biến động của đồng nhân dân tệ càng đe dọa thu hẹp lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Một quan chức chính phủ cấp cao phụ trách nghiệp đoàn Trung Quốc hồi tháng trước cảnh báo tỷ lệ GDP dành cho lương đã liên tục giảm trong 22 năm qua. Theo quan chức này, các điều kiện làm việc không đầy đủ, cùng với mức lương thấp và giờ làm kéo dài đang gây ra ngày càng nhiều tranh cãi và cả những vụ náo loạn trong giới làm công ăn lương, đặt ra một thách thức lớn đối với sự ổn định xã hội trong nước.
Vấn đề này ngày càng khẩn cấp khi các con số thống kê chính thức cho thấy khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn tại Trung Quốc năm 2009 ở mức rộng nhất kể từ khi có thống kê về việc này năm 1978.
Đảng Cộng sản Trung Quốc coi tình trạng bất cân bằng thu nhập ngày càng lớn này là một vấn đề có tầm quan trọng chính trị về lâu dài, và đã có các động thái nhằm tăng lương tối thiểu tại hầu hết các trung tâm sản xuất lớn trên cả nước trong năm 2010. Chính phủ nước này cũng đang tìm cách thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong nước và coi đây là ưu tiên hàng đầu của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 12 của mình - văn bản dự kiến được công bố vào năm 2011.
Tháng Ba vừa qua, tỉnh Quảng Đông, nơi sản xuất khoảng 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, đã thông báo tăng 20% lương tối thiểu. Bảy tỉnh thành khác - trong đó có Giang Tô, Triết Giang, và Thượng Hải - cũng đã tăng lương tối thiểu từ 10-17% trong quý I/2010. Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, 20 tỉnh thành khác đã lên kế hoạch tăng lương tối thiểu trong năm nay.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ủng hộ tăng lương vì việc này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về thu nhập đang ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng những thay đổi trên là kết quả của sự phản đối ngày càng lớn của người công nhân, và cũng là để đối phó với tình trạng giá nhà đất và lương thực tăng chóng mặt thời gian qua làm suy yếu sức mua của người công nhân ở các tỉnh nông thôn.
Tuy nhiên, cũng có những lý do khác. Một số chuyên gia nhận định Bắc Kinh ủng hộ việc tăng lương như một cách để kích cầu nội địa và giúp nền kinh tế đất nước giảm phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ.
Mặt khác, các nhà máy lớn phải tăng lương nhằm thu hút nhiều nhân công mới, đặc biệt là vào thời điểm nhiều thành phố sản xuất duyên hải đang phải đối mặt với tình trạng thiếu người làm. Một lãnh đạo công ty Foxconn cho biết tỷ lệ quay vòng nhân công ở hai nhà máy của họ - nơi sử dụng hơn 400.000 lao động - là 5%/tháng, tức là cứ 20.000 công nhân ra đi mỗi tháng và cần được thay thế.
Trong khi đó, ông Marshall W.Meyer, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Tổng hợp bang Pennsylvania (Mỹ) phân tích sự thay đổi về dân số ở Trung Quốc đang làm giảm nguồn cung lao động trẻ tuổi trong lực lượng lao động, và đây chính là một trong những sức ép dẫn tới tăng lương. Ông mỉa mai: "Dân số đã làm được điều mà Đối thoại Chiến lược và Kinh tế không làm được: đó là tăng giá hàng hóa Trung Quốc". Ý ông nói tới các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ về việc cải cách đồng nhân dân tệ và nhiều vấn đề kinh tế khác.
Cuối cùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Michigan, Mary Gallagher, nhận định với việc tăng lương nói trên, Trung Quốc sẽ không để mất các cơ sở sản xuất của mình vì họ có một thị trường nội địa khổng lồ. Ngược lại, việc này sẽ hướng họ tới các loại hàng hóa cao cấp hơn và chính điều này đáp ứng tham vọng của Chính phủ Trung Quốc: Bắc Kinh không muốn chỉ là phân xưởng của thế giới, họ muốn sản xuất hàng hóa công nghệ cao!
Nhìn rộng ra, sức ép tăng lương cũng đang ngày càng lớn trên toàn khu vực châu Á, không kể Nhật Bản - nơi vẫn đang phải đấu tranh chống giảm phát. Tại Việt Nam, mới đây chính phủ đã áp dụng đợt tăng lương lần thứ hai trong một năm cho các cán bộ công nhân viên nhà nước. Tại Campuchia, lĩnh vực dệt may chiếm phần lớn hàng hóa xuất khẩu cũng đang chịu sức ép phải tăng gần gấp đôi lương tối thiểu thì người thợ dệt mới có đủ tiền sinh sống.
Các nước và khu vực giàu hơn nhưng cũng bất bình đẳng hơn về thu nhập, hiện không áp dụng mức lương tối thiểu - như Brunei, Malaysia hay Hong Kong (Trung Quốc) - cũng đang có kế hoạch thông qua luật về lương tối thiểu. Nếu nỗ lực này thành công thì ở Đông Nam Á chỉ còn Singapore và Ma Cao (Trung Quốc) là những nền kinh tế quay lưng lại với lương tối thiểu.
Với Trung Quốc ở địa đầu chiến tuyến, lương đang tăng trên toàn khu vực Đông Nam Á - xu hướng mà các chính phủ hy vọng rằng sẽ giúp giảm đáng kể sự bất cân bằng về thu nhập, song cũng lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của nước mình trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Nhưng trong khi lĩnh vực sản xuất đang chuyển dần tới những khu vực có nhân công rẻ hơn giữa các nước và trong khu vực, thì cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ giúp các công ty gia tăng chuỗi giá trị, giống như Nhật Bản đã làm trong những năm 1960 và Những con hổ châu Á trong những năm 1990.
Cafeland.vn - theo cafef.vn