Môi trường giáo dục, vì tương lai con cái
Thị trường bất động sản Anh rất được quan tâm bởi các gia đình Trung Quốc ngày càng có xu hưởng gửi con sang học tại Anh, với khoảng 100.000 sinh viên trong năm ngoái, so với 4.000 sinh viên năm 1999. Luân Đôn là nơi có 4 trong số 100 trường ĐH hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả New York.
Theo Barratt Developments Plc (BDEV), công ty xây dựng nhà lớn nhất của Anh, 42% căn hộ được bán ở Luân Đôn từ đầu năm đến nay là cho người nước ngoài, và chủ yếu là người Trung Quốc.
Với người Trung Quốc, khu vực họ mua nhà ở Luân Đôn cũng tuỳ thuộc vào "đẳng cấp". Những người "mới giàu" thì mua nhà ở khu vực Canary Wharf and the Docklands, trong khi những người giàu có lâu đời ở Hồng Kông thì chọn những khu trung tâm sầm uất của Luân Đôn như Knightsbridge, Mayfair và Kensington.
Nina Yamaguchi, một nhân viên môi giới ở Cupertino (California, Mỹ) cho biết, gần đây số vụ mua bán thanh toán toàn bằng tiền mặt tăng rất nhanh, và chủ yếu là từ khách hàng Trung Quốc. Điều đã thu hút người châu Á đến đây chính là môi trường giáo dục, chất lượng các trường học chứ Cupertino không phải là một khu vực có ưu điểm về kiến trúc hay cảnh quan.
Môi trường giáo dục ở Anh là yếu tố hàng đầu thu hút người mua nhà từ Trung Quốc
Nina cũng cho biết "Hầu hết những khách hàng mua những ngôi nhà nhỏ, đắt tiền đến từ châu Á. Ở đây đang có xu hướng là người da trắng lớn tuổi, về hưu muốn chuyến đến những ngôi nhà rộng hơn, xa trung tâm hơn, còn giới trẻ châu Á lại tìm mua lại những căn nhà nhỏ, trong khu vực thành phố".
"Nếu một thanh niên không đủ tiền mua nhà tại đây, thì thường bố mẹ hay thậm chí cả ông bà họ ở Trung Quốc cũng sẽ gom tiền để cho đủ". Mặc dù quy định của chính phủ là mỗi công dân chỉ được mua 50.000 USD mỗi năm, nhưng vẫn có nhiều cách để người Trung Quốc thanh toán tiền mua nhà ở nước ngoài. "Phần lớn họ rất giàu và có công ty hoặc văn phòng đại diện ở Hồng Kông, Kuala Lumpur hoặc Singapore, do vậy họ thanh toán tiền thông qua công ty".
Không xây dựng, mua để giữ
Tại Las Vegas, giá nhà đã giảm 58% so với thời đỉnh cao 2006. Chính sự mất giá này đã khiến Las Vegas có lượng lớn nhà thế chấp bị tịch biên được bán với giá rẻ. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất ở đây chính là quyền sở hữu hoàn toàn. Tại Trung Quốc, đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Vì vậy, khách hàng Trung Quốc rất sẵn sàng trả mức giá cao cho bất động sản tại đây.
Chan, một nhân viên môi giới người gốc Hoa tại Las Vegas cho biết, rất đông khách mua nhà là doanh nhân người Hoa thuộc đủ ngành nghề. Họ mua nhà để làm nơi nghỉ ngơi, mua nhà cho con đi học, mua để đầu tư, cho thuê... Và họ không mua để "lướt sóng", người Trung Quốc thích giữ tài sản bằng nhà cửa.
Một đặc điểm của người mua nhà Trung Quốc là họ thường mua vội vã, mua ít nhất hai căn nhà trong một chuyến đi, trả bằng tiền mặt vì họ không có thời gian làm thủ tục thế chấp. Họ không ngại chi 1 hay 2 triệu USD để mua nhà. Nhưng họ thích mua nhà sẵn, không thích mua đất để xây. Năm ngoái, có một nhóm nhà đầu tư đã đến đây để xem xét một dự án bất động sản. Nhưng sau khi khảo sát, tính toán, họ đã quyết định không thực hiện. Với từng ấy thời gian và tiền bạc, họ có thể kiếm nhiều tiền hơn ở Trung Quốc.
Theo Asher Alcobi, giám đốc một công ty môi giới bất động sản cao cấp ở New Yorrk, số khách hàng châu Á tại thành phố này tăng lên đáng kể từ tháng 1 năm nay, cùng thời điểm chính quyền Trung Quốc đưa ra các quy định hạn chế mua nhà thứ hai.
Thương hiệu "Donald Trump"
Một khách hàng của Alcobi mới đây đã mua hai căn hộ lớn trong chung cư - khách sạn mang tên Trump SoHo ở Manhattan, một loại căn hộ có thể được cho thuê như khách sạn trong thời gian không sử dụng, và người chủ sẽ được chia phần doanh thu.
"Người Trung Quốc rất ưa chuộng tên tuổi của tỷ phú bất động sản Mỹ Donald Trump. Với họ, cái gì có tên Trump đều tốt".
Toà nhà Trump Soho ở Manhattan
Những khách hàng nhiều tiền đang tập trung chú ý vào Manhattan bởi giá nhà tại những thành phố ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều đã tăng cao tới mức bong bóng. Trong khi đó, tại một trung tâm tài chính hàng đầu như Manhattan, giá nhà đất vẫn chưa phục hồi lại được như trước cuộc khủng hoảng. So sánh về giá cả, Hồng Kông vẫn còn tương đối rẻ so với New York. Giá một mét vuông nhà bình quân ở Hồng Kông đắt hơn New York tới 50%.
Úc: Không hoan nghênh
Trong khi việc người Trung Quốc mua nhà được chào đón như là một sự tiếp sức cho thị trường bất động sản thì tại Australia, nó lại bị phản ứng trái ngược. Chính quyền tại đây từ tháng 4/2010 đã quy định chỉ những người cư trú tạm thời mới được mua nhà có sẵn và phải bán lại khi chuyển đi. Những người mua nhà sống ở nước ngoài chỉ có thể mua nhà mới xây.
Sự thay đổi này trái ngược với tình hình năm 2008, khi các quy định về đầu tư nước ngoài vào bất động sản được nới lỏng. Sau một thời gian, người dân và các công ty bất động sản nước này đã đổ lỗi rằng nhu cầu mua nhà của người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, đã gây ra lạm phát. Theo thống kê của chính phủ, giá nhà tại Australia đã tăng 14 % và 5,8% trong các năm 2009 và 2010. Rất nhiều gia đình Trung Quốc đã mua nhà cho con cái họ đi học ở đây.
Khi quy định người nước ngoài chỉ được mua nhà mới xây đi vào thực thi, các công ty xây dựng Australia được hưởng lợi nhất. Giám đốc Meriton Pty, công ty xây dựng nhà ở lớn nhất Australia cho biết "Doanh số của chúng tôi tăng mạnh nhờ người Trung Quốc. Họ chiếm đến 15% số khách hàng của chúng tôi".