Việc Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 07 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đang khiến nhiều người có thu nhập thấp khấp khởi hy vọng sẽ được vay ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở. Theo tính toán, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ tương đương với việc mua được khoảng 30.000-40.000 căn hộ phổ thông có giá dưới 1 tỷ đồng/căn.
Theo Thông tư 07, đối tượng được vay mua nhà là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 với giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Cá nhân, hộ gia đình vay vốn mua nhà phải chưa có nhà hoặc đang ở nhà diện tích quá chật chội, bình quân dưới 8m2/người. Bên cạnh đó, nếu là nhà ở riêng lẻ, khuôn viên đất phải thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh (tại Hà Nội là dưới 30m2). Đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở, còn nếu tạm trú thì người mua phải đóng BHXH từ một năm trở lên. Mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ theo diện ưu đãi này.
Theo Thông tư số 11/TT-NHNN thì ngân hàng xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Đây là qui định đang khiến nhiều người cho là “gây khó” cho người nghèo, bởi rất nhiều người sẽ không lấy đâu ra tài sản để thế chấp, mà nếu họ có tài sản để thế chấp vay cả tỷ đồng để mua nhà thì đã không thuộc diện “nghèo” nữa! Thế nên, dù về nguyên tắc, ngân hàng cho vay thì phải “nắm đằng chuôi”, đảm bảo thu hồi vốn, nhưng việc phải có tài sản đảm bảo mới được vay sẽ khiến nhiều người thu nhập thấp không có cơ hội tiếp cận ưu đãi này (dù Thông tư 11 đã có qui định “mở” là tùy từng trường hợp, người vay có thể phải thế chấp tài sản hoặc không).
Để giúp người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có thể tiếp cận việc vay ưu đãi này, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Thông tư 11 cần sửa qui định về điều kiện cho vay. Cụ thể, người vay là cá nhân được dùng chính căn hộ mình xin mua hoặc xin thuê làm tài sản đảm bảo, điều này vừa đảm bảo nếu người vay không có khả năng trả nợ thì ngân hàng có thể phát mãi tài sản để thu hồi vốn, và người nghèo không có tài sản thế chấp vẫn được vay ưu đãi đúng như mục đích hỗ trợ của gói tín dụng này.
Ngoài việc cần “gỡ” điều kiện về thế chấp tài sản để được vay ưu đãi của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, nhiều người cũng lo ngại sẽ phải đối mặt với việc “điều chỉnh lãi suất theo thị trường” khi lãi suất ưu đãi 6% chỉ được áp dụng “tối đa là 10 năm” sau khi vay. Trên thực tế, không ít người đã “sống dở, chết dở” với các khoản vay “ưu đãi” với mức lãi suất ban đầu được đưa ra khá hấp dẫn, nhưng sau một thời gian nhất định theo thỏa thuận, phía cho vay điều chỉnh lãi suất lên cao, khiến họ chật vật để trả nợ lãi “ngoài dự kiến”. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, với đối tượng người nghèo, thu nhập thấp thì lãi suất ưu đãi phải được duy trì suốt 10 năm trở lên mới đủ để giúp họ xoay xở trả nợ mua nhà, và điều này cần được qui định cụ thể mới khiến họ yên tâm.
Bên cạnh những băn khoăn nói trên, nhiều người cũng đang lo ngại khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được tung ra để giúp người nghèo có cơ hội mua nhà và nhằm vào diện những căn hộ “phổ thông” (diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2) trong khi diện những căn hộ này lại bị “ế” không nhiều thì sẽ góp phần đẩy giá căn hộ loại này lên cao. Mà nếu như thế, thì dù được vay với lãi suất thấp cũng chỉ để “bù” cho việc tăng giá, và việc ưu đãi cho người nghèo sẽ không thật sự “ý nghĩa”!