Ông Nguyễn Mạnh Chung, một chủ salon ô tô trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp cho biết: Tôi đang tính toán việc chuyển USD sang tiền đồng gửi tiết kiệm khi lãi suất huy động hiện không dừng ở mức 14%/năm như quy định, một số ngân hàng đã chào mời mức lãi suất hấp dẫn hơn, song tôi vẫn chưa yên tâm khi giá trị vàng, USD đều bấp bênh, tiền đồng thì ổn định hơn, nhưng lạm phát chưa biết sẽ như thế nào...
Chị Vũ Thị Mai, chủ một cơ sở may thêu ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức nói: Mừng khi giá vàng và USD được Nhà nước kiểm soát tốt, tuy nhiên đầu vào nguyên liệu, tôi vẫn phải dùng USD, trong khi giao hàng, lượng tiền đồng quá lớn khiến chúng tôi không yên tâm. Gia đình tôi vẫn phải chọn kênh vàng làm... của để dành.
Vẫn còn tâm lý giữ vàng làm nơi “trú ẩn” |
Chị Phạm Thúy Hà, ở đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận cho biết thêm: Chính sách của Chính phủ có tác động tốt giúp tăng mức dự trữ ngoại hối quốc gia, giữ tiền đồng cũng có lợi cho người dân nhưng nếu muốn chuyển từ tiền đồng sang USD hay vàng, khả năng cung ứng từ các ngân hàng sẽ hạn chế... Đó là tâm lý khiến người dân e ngại và vẫn tiếp tục “găm” giữ ngoại tệ và vàng. Bà Lê Thị Ngọc, chủ tiệm vàng trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 cho rằng, lãi suất ngân hàng huy động cao tất nhiên ẩn chứa nhiều rủi ro, trong khi mua vàng, giá có nhảy, hoặc gửi tiết kiệm đảm bảo bằng vàng, sau 1 năm nếu tính cả lãi suất, vàng sẽ đạt mốc 43,2 triệu đồng/lượng, một con số khả quan đảm bảo cho việc người dân sẽ mua vàng thay vì mua USD hay đầu cơ nhà đất như thời gian vừa qua.
Đây là lý do nhiều tuần qua, thị trường vàng TP.HCM hoạt động tích cực. Bà Quách Thị Lan, chủ tiệm vàng Kim Ngọc trong chợ An Đông, quận 5 cho biết, dù tháng 4-2011 là thời gian giao dịch ảm đạm nhất trong một năm trở lại đây, nhưng lượng khách mua vàng vẫn nhiều hơn lượng khách có vàng mang bán, số vàng tiệm bán ra hơn 250 lượng, số mua chỉ 54 lượng. Tại trung tâm mua bán trang sức SJC Phú Nhuận, bà Trần Ngọc Minh Thư, Trưởng phòng Kinh doanh vàng của SJC nhận xét: Dù các ngân hàng giảm lãi suất huy động vàng, không cho vay vàng… song người dân đến mua chỉ vài lượng, thậm chí vài chỉ nên không thể gây khó dễ cho họ, lượng vàng bán ra hàng ngày vẫn gấp 2-3 lần lượng mua vào.
Lý giải điều này, chị Đinh Thúy Quỳnh, một cán bộ tín dụng Ngân hàng Đông Á chi nhánh Tân Bình phân tích: Đây là thời điểm người dân gửi tiết kiệm bằng tiền đồng có lợi nhất khi nhà nước thắt chặt việc mua bán ngoại tệ, tiến tới hạn chế mua bán vàng miếng trên thị trường tự do. Tuy nhiên lượng chuyển đổi từ vàng, USD sang tiền đồng vẫn không tăng. Nhiều người dân vẫn rút tiền cầm chừng để mua vàng trang sức, thay vì vàng miếng dễ bị cơ quan chức năng xử lý nếu bán với số lượng lớn. Anh Nguyễn Minh Hiền, chuyên gia phân tích của Ngân hàng VIB cũng thừa nhận, người dân phía Nam khi trúng vụ, hoặc bán nhà đất thường có xu hướng mua vàng tích trữ.
Đây là thói quen khó thay đổi nên việc định hướng cho người dân gửi tiết kiệm hay dùng tiền đồng là khó. Việc mua bán vàng vẫn tiếp tục khi kênh mua vàng 9999 dưới dạng trang sức: vòng, lắc, dây chuyền... vẫn chưa có biện pháp khống chế, dù nhiều ngân hàng đã nâng mức huy động vàng lên 2,4%/năm, hay Eximbank đã mở kênh giữ hộ vàng miếng SJC rồng vàng 99,99 cho người dân có nhu cầu mà không thu phí, Ngân hàng Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng...
Thói quen tích trữ vàng, USD có phải là sự khôn ngoan, một cách đầu tư hợp lý khi các ngân hàng thương mại ở TP.HCM đang khuyến khích các khách hàng cá nhân chuyển từ USD sang tiền đồng nếu đáo hạn sổ tiết kiệm để hưởng lãi suất cao thay vì có xu hướng quy đổi và đảm bảo bằng vàng... Bên cạnh đó, rất nhiều người dân đang gửi vàng tại các ngân hàng không mặn mà lắm với chính sách chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng, trong khi vàng ngoài thị trường vẫn được người dân lựa chọn dù việc mua bán vàng khá khó khăn...