Amy Wang đang chờ khoản tiền 100.000 Nhân dân tệ được chính quyền ở thành phố Weifang, miền đông Trung Quốc hứa trợ cấp để lắp đặt trang thiết bị cho căn hộ mà cô mua từ 2 năm trước. Căn hộ của cô được bàn giao thô, không có sàn, tường bên trong hoặc các trang thiết bị khác - một điều rất phổ biến ở thị trường nhà đất Trung Quốc.
Nhưng cho đến nay, cô vẫn chưa thể dọn vào nhà mới sống do chưa nhận được khoản trợ cấp trên.
Người phụ nữ 30 tuổi này hiện phải bỏ ra 6.000 Nhân dân tệ từ khoản tiền lương 8.000 Nhân dân tệ để trả tiền thế chấp căn hộ trị giá 1,1 triệu Nhân dân tệ, cùng1.800 Nhân dân tệ khác để thuê một căn hộ khác. Cô phải xin tiền cha mẹ để trang trải các chi phí cơ bản khác.
Wang, một người làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện tử, cho biết: “Tôi cảm thấy rất áp lực”.
Thành phố Weifang, với dân số hơn 9 triệu người và quy mô kinh tế lớn hơn Croatia cùng hàng chục thành phố khác của Trung Quốc, đã hứa trợ cấp và cung cấp nhiều ưu đãi khác cho người mua nhà để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang suy yếu.
Nhưng suy thoái bất động sản đã ảnh hưởng đến khả năng các thành phố cho nhà phát triển thuê đất, vốn là một nguồn thu chính của chính quyền. Điều này có nghĩa là một số địa phương không thể huy động vốn để trả các khoản trợ cấp đã hứa, khiến người mua thất vọng và nghi ngờ về các biện pháp hỗ trợ trong tương lai. Tất cả có thể trì hoãn sự phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết: “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người dân”.
Chính quyền thành phố Weifang, nơi đã hứa trợ cấp từ 30.000 đến 300.000 Nhân dân tệ, cùng với các khoản giảm thuế và các ưu đãi khác cho người mua nhà, đã nhiều lần viết thư và giải thích rằng Covid-19, suy thoái kinh tế và cắt giảm thuế đã khiến họ chậm trễ giải ngân trợ cấp nhà ở.
Vào tháng 3, bộ phận nhân sự của Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao Weifang cho biết quận của họ đã “giải ngân một phần” các khoản trợ cấp và nhiều khoản thanh toán khác đang được xử lý.
Thị trường bất động sản chiếm khoảng 1/4 hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào thời kỳ đỉnh cao và nguồn thu ngân sách từ đấu giá đất đã lấn át các nguồn thu nhập khác ở nhiều thành phố trước đại dịch.
Dữ liệu chính thức cho thấy trên khắp Trung Quốc, doanh thu đấu giá đất vào năm 2023 thấp hơn khoảng 20% so với mức trước đại dịch vào năm 2019. Tại Weifang, doanh thu ngoài ngân sách – bao gồm cả việc bán đất – đã giảm 30 đến 50% so với cùng kỳ.
Logan Wright, một đối tác tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho biết: “Tác động thực sự của suy thoái bất động sản Trung Quốc đến các chính quyền địa phương dường như đã bị đánh giá thấp”.
Theo Reuters, hiện vẫn chưa có thống kê rõ ràng về số tiền và tổng số người bị ảnh hưởng bởi các khoản trợ cấp chưa thanh toán.
-
Bất động sản Trung Quốc phớt lờ dấu hiệu bong bóng từ cách đây gần 10 năm
Các nhà phát triển, người mua nhà và ngân hàng phương Tây đều đã phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo về bong bóng bất động sản Trung Quốc từ năm 2016.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.