Tấm biển công bố dự án khu đô thị Tiến Xuân đã hỏng nhưng dự án vẫn chưa thực hiện.
Nằm ngay sát đại lộ Thăng Long, thôn Trại Mới có vị trí đắc địa nhất ở xã Tiến Xuân. Trại Mới chỉ có 130 hộ dân, với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mường, nhưng tổng diện tích đất tự nhiên của thôn là hơn 270 ha. Mặc dù đất đai rộng rãi, nhưng phần lớn là đất đồi rừng, vườn tạp kém màu mỡ, độ dốc lớn. Ðất sản xuất nông nghiệp manh mún, phân tán. Tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu. Hệ thống kênh mương nội đồng không được quan tâm đầu tư, cho nên sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Người dân không có nghề phụ, chủ yếu làm nông nghiệp, trồng và bảo vệ, chăm sóc cây rừng, chăn nuôi quy mô nhỏ. Cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống giao thông nội bộ của thôn xuống cấp với những con đường đất đỏ gập ghềnh, dốc đứng. Hệ thống tiêu thoát nước không được đầu tư, cải tạo cho nên nước mưa, nước thải vẫn chảy tràn cả ra đường, khiến ngày nắng bụi đất bay mù mịt, ngày mưa lầy lội, trơn trượt...
Tuy nhiên, điều khiến người dân Trại Mới lo lắng nhất chính là việc triển khai hai dự án lớn trên địa bàn từ nhiều năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Ðó là dự án khu đô thị Tiến Xuân và dự án Trường đại học Hòa Bình. Bà Bùi Thị Dần, một người dân trong xã cho biết: Khoảng sáu, bảy năm trước, chủ đầu tư tiến hành cắm biển hiệu, công bố quy hoạch dự án. Ðến năm 2010 - 2011, chủ đầu tư đã cử nhân viên xuống tiến hành điều tra, đo đạc, kiểm đếm các công trình xây dựng, cây cối của người dân để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Tuy nhiên, người dân chờ mãi, đến nay vẫn không thấy họ quay lại. Cả hai tấm biển giới thiệu quy hoạch giờ đã hỏng nát, một cái chỉ còn trơ lại cọc sắt, nhưng dự án vẫn "nằm im" và chưa biết đến khi nào mới được thực hiện...
Trưởng thôn Trại Mới Ðinh Văn Dương cho biết, hai dự án chưa triển khai đã khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Người dân hoang mang lo lắng, không yên tâm đầu tư sản xuất, làm ăn. Nhiều gia đình muốn sửa sang, cải tạo chỗ ở cũng không dám làm, vì sợ không được đền bù khi dự án triển khai. Việc làm sổ đỏ, giao dịch chuyển nhượng đất đai của người dân bị ách tắc. Hạ tầng nông thôn thiếu và xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống đường giao thông không được đầu tư nâng cấp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi sáp nhập về thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt 25 dự án, phần lớn thuộc lĩnh vực bất động sản như khu đô thị, biệt thự nhà vườn, khu du lịch, nghỉ dưỡng... trên địa bàn xã Tiến Xuân. Nhiều dự án đã có quyết định giao đất, phê duyệt đầu tư, nhưng hiện đều đang bị treo, như dự án Khu đô thị Tiến Xuân, khu biệt thự, sinh thái Việt Nam, khu dân cư Ðại Xuân, khu đô thị Việt Hà... Một số dự án còn ở giai đoạn... nghiên cứu. Tiến Xuân có 18 xóm thì tất cả đều có dự án, với diện tích đất thu hồi hàng nghìn ha, trong đó riêng dự án khu đô thị Tiến Xuân hơn 400 ha. Ðây phần lớn là diện tích đất canh tác màu mỡ đã được người dân cải tạo, sản xuất ổn định từ nhiều năm, cho nên nếu bị thu hồi thì người dân sẽ chỉ còn lại phần đất xấu. Hàng chục dự án bị treo khiến người dân không yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Ðất đai bị hoang hóa... Nguyên nhân các dự án trên địa bàn xã Tiến Xuân bị treo là do thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch giảm sút. Chính quyền quá dễ dãi trong việc thẩm định dự án, thẩm định năng lực của chủ đầu tư để cấp giấy phép đầu tư tràn lan; tạo điều kiện để các chủ đầu tư giữ đất, chiếm đất, gây ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
Theo lãnh đạo UBND xã Tiến Xuân cho biết, do là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình trước đây cho nên mức đền bù giải phóng mặt bằng rất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/sào đất canh tác. Việc đào tạo, nhân cấy nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất không được quan tâm dẫn đến số lao động thiếu việc làm ngày càng nhiều. Một số thanh niên mắc vào tệ nạn xã hội. Những hộ dân đã bị thu hồi đất hiện giờ thiếu đất sản xuất, dẫn đến cuộc sống ngày càng khó khăn. Các dự án treo đã ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Nhiều tiêu chí quan trọng của nông thôn mới như hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập của người dân, tỷ lệ lao động có việc làm, vệ sinh môi trường... đều rất khó thực hiện. Người dân luôn trong tâm trạng hoang mang lo lắng, khổ sở vì không biết khi nào dự án được triển khai, việc bồi thường ruộng, đất sản xuất, hoa màu, nhà cửa bị thu hồi, bố trí nơi ở mới ra sao?...
ÐỂ sớm khắc phục tình trạng dự án treo tại xã Tiến Xuân, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ dự án, thẩm định năng lực của các chủ đầu tư để thu hồi các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư thiếu năng lực. Bên cạnh đó, thành phố, UBND huyện Thạch Thất cần ưu tiên triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng nông thôn để người dân Tiến Xuân sớm ổn định sản xuất và đời sống, cải thiện thu nhập.