Việt Nam không phải quốc gia duy nhất thực hiện lộ trình “chia tay” xe máy xăng
Có thể thấy Việt Nam không phải quốc gia duy nhất thực hiện lộ trình “chia tay” xe máy xăng, thậm chí còn đang đi sau rất nhiều nước trong khu vực và trên toàn cầu.
Trung Quốc được xem là quốc gia đi đầu trong việc cấm xe máy chạy bằng xăng tại các thành phố lớn. Ngay từ năm 1998, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm xe máy xăng lưu thông tại khu vực nội đô. Tiếp đó là Thượng Hải, Quảng Châu và hàng loạt đô thị khác lần lượt áp dụng các quy định tương tự.
Đến nay, theo số liệu từ Nikkei Asia, hơn 200 thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện cấm toàn phần hoặc một phần xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Điều đáng nói là bên cạnh lệnh cấm, Trung Quốc đồng thời phát triển mạnh hệ sinh thái xe điện với sự hỗ trợ của các tập đoàn nội địa như Yadea, Niu, Luyuan. Trạm đổi pin tự động được lắp đặt khắp nơi, xe điện giá rẻ được trợ giá và ưu đãi thuế, khiến người dân không chỉ chấp nhận chuyển đổi mà còn hưởng ứng một cách chủ động.
Tại châu Phi, Ethiopia cũng ghi dấu ấn khi trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ xe chạy bằng xăng và diesel, bao gồm cả ô tô và xe máy từ tháng 1/2024. Chính sách này nhằm mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiêu dùng năng lượng sạch. Tuy nhiên, do hạ tầng điện – sạc còn yếu, nước này vẫn đang đối mặt với những khó khăn trong quá trình triển khai.
Trong khi đó, một loạt quốc gia khác đang từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi, trong đó nổi bật là Ấn Độ. Tại thủ đô Delhi, chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch cấm bán xe máy xăng mới từ ngày 1/4/2027.
Theo Reuters, Delhi đồng thời trợ giá gần 350 USD cho mỗi xe máy điện để khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện. Song song đó, thành phố cũng đang mở rộng hệ thống trạm sạc và khuyến khích các hãng xe điện nội địa như Ola Electric và Hero Electric tăng cường sản xuất, phân phối.
Tại châu Âu, các đô thị lớn như Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Stockholm (Thụy Điển) đều đã triển khai các vùng hạn chế khí thải (Low Emission Zones), trong đó xe máy chạy xăng nằm trong danh sách phương tiện bị kiểm soát hoặc cấm lưu thông theo từng giai đoạn.
Amsterdam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cấm hoàn toàn tất cả phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả xe máy, trong khu vực trung tâm.
Stockholm sẽ thực hiện cấm xe xăng và diesel cả ô tô lẫn xe máy tại 20 khu phố trung tâm từ năm 2025.
Paris đã loại bỏ ưu đãi đậu xe miễn phí cho xe máy xăng và yêu cầu kiểm định khí thải định kỳ chặt chẽ hơn, tiến tới loại bỏ hoàn toàn loại phương tiện này trong thập niên tới.
Các nước này không đơn thuần ra lệnh cấm, mà còn triển khai đồng bộ chính sách tài chính, đầu tư hạ tầng sạc, phát triển giao thông công cộng và hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Trở lại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước hiện cũng đang tăng tốc đầu tư vào xe máy điện, mở rộng hệ thống đổi pin, triển khai chính sách trả góp không lãi suất để phục vụ người dân. Báo cáo quý I/2025 cho thấy một hãng xe điện lớn tại Việt Nam đã bán hơn 45.000 xe máy điện, tức hơn 500 xe/ngày, con số cho thấy nhu cầu chuyển đổi đang hình thành một cách rõ rệt.
-
Hà Nội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện
Thành phố Hà Nội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy chạy bằng xăng, dầu sang xe máy điện. Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển hạ tầng cho xe điện, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tăng cường xe buýt điện, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khi cấm xe máy xăng ở nội đô.
-
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3763/QĐ-UBND ngày 14/7/2025, chính thức thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm tham mưu và triển khai các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện trên toàn địa bàn thành phố.
-
Áp thuế, phí cao với xe máy xăng, để hạn chế sử dụng
Hà Nội là thị trường tiêu thụ xe máy xăng lớn. Tiêu thụ càng nhiều thì ô nhiễm môi trường càng nặng nề, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, cấp bách để hạn chế.




