18/03/2013 8:49 PM
Dự báo năm nay tỷ giá hối đoái sẽ khá ổn định, mức biến động nếu có cũng không quá 2-3%. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn bằng ngoại tệ. Nhưng thực tế từ đầu năm đến nay tín dụng ngoại tệ có xu hướng giảm mạnh. Phải chăng doanh nghiệp không vay hay không dễ vay?

NHTM siết lại

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, dư nợ tín dụng ngoại tệ đến nay tiếp tục sụt giảm. Sự sụt giảm tín dụng ngoại tệ được các chuyên gia lý giải vớinhiều lý do, trong đó có việc lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay đã bớt hấp dẫn so với VNĐ. Một lãnh đạo OCB cho rằng, lãi suất cho vay VNĐ hiện nay ở nhiều NHTM chỉ 10-11%/năm, thậm chí với khách hàng tốt lãi suất chỉ 8-9%/năm.

Ảnh minh họa

Trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7%/năm, dù thấp nhưng mức chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD không còn quá cao, chỉ 2-3%/năm. Chính vì vậy, doanh nghiệp ít vay ngoại tệ bởi vay tiền đồng lãi suất cũng rẻ và không sợ biến động rủi ro về tỷ giá.

Và khi tiền gửi ngoại tệ giảm, các NHTM cũng sẽ không mặn mà cho vay ngoại tệ, nhưng thanh khoản ngoại tệ của toàn hệ thống NHTM tương đối tốt. Điều này góp phần giúp tỷ giá bình ổn và doanh nghiệp dễ dàng mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mà không phải vay ngoại tệ để sau đó phải kiếm nguồn ngoại tệ trong tương lai trả lại NH.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự sụt giảm về tín dụng ngoại tệ, là từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NHTM rất ì ạch, do sức mua của nền kinh tế trì trệ, hàng tồn kho tăng cao, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm sút, theo đó nhu cầu vay ngoại tệ nhập khẩu cũng giảm.

Trong khi đó, NHNN đang siết lại tín dụng ngoại tệ, chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Vừa qua Bộ Công Thương đã kiến nghị lùi thời hạn siết tín dụng ngoại tệ đến hết năm 2013, nhưng NHNN chưa có phản hồi chính thức.

Vì thế, nhiều NH đang cẩn trọng trong cho vay ngoại tệ, chỉ cho vay khách hàng có nguồn ngoại tệ tái tạo trong tương lai cũng như phải có đơn hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp vẫn muốn vay

Dù tín dụng ngoại tệ giảm, nhưng theo một chuyên gia NH, nhiều doanh nghiệp vẫn thích vay ngoại tệ. Bởi để tiếp cận được gói vốn của NH lãi suất rẻ từ 8-11%/năm không hề dễ dàng, nhiều quy định khắt khe và ràng buộc.

Do vậy, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu vay USD, bởi họ dự đoán dù tỷ giá có biến động không quá 2-3%/năm, nên rủi ro về tỷ giá khi vay USD cũng không quá lớn.

Trước đây, nhà nhập khẩu đến Eximbank vay ngoại tệ mở L/C nhập khẩu thanh toán cho đối tác, tạo chuỗi dịch vụ trọn gói, lợi ích cho Eximbank và khách hàng. Nhưng nay hạn chế cho vay ngoại tệ với nhà nhập khẩu, Eximbank cũng bị thiệt bởi do không phát huy được lợi thế phục vụ cho thanh toán xuất khẩu nhập khẩu. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô nếu mở rộng cho vay ngoại tệ dễ tạo ra những bất ổn, khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, quyết định của NHNN hạn chế cho vay ngoại tệ là phù hợp, nhờ đó tỷ giá hối đoái mới ổn định trong thời gian khá dài vừa qua.

Ông Trương Văn Phước,
Tổng giám đốc Eximbank

Đặc biệt, ngành thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu khi bị áp thuế chống phá giá ở thị trường Hoa Kỳ, việc chọn vay ngoại tệ với lãi suất rẻ sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập nguyên liệu về sản xuất hàng tiêu thụ nội địa hiện lại bị thiệt thòi do không nằm trong đối tượng được vay ngoại tệ.

Theo phản ánh của một số NHTM, hiện nay nhiều khách hàng nhập khẩu tốt đang chuyển qua vay vốn VNĐ các NH nước ngoài với lãi suất 6-7%/năm, ngang với lãi suất tín dụng ngoại tệ ở các NH nội địa. Không chỉ thế, lãi suất cho vay ngoại tệ ở NH nước ngoài cũng rẻ hơn NHTM nội địa.

Đây là thách thức lớn cho các NH nội địa. Hiện nay một số NHTM đã có chính sách giảm lãi suất cho vay VNĐ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu để giữ chân khách hàng. Đơn cử, ACB đã dành trên 2.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm 30% so với lãi suất vay VNĐ thông thường.

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp lựa chọn đồng tiền nhận nợ vốn vay hiện nay cũng đang tạo áp lực không nhỏ cho các NHTM. Vì thế, để giải ngân vốn vay một cách an toàn, hiệu quả đến khách hàng tốt, không chỉ với khách hàng vay ngoại tệ hay VNĐ, các NHTM sẽ phải tính đến việc giảm dần lãi suất cho vay xuống.

Như vậy, lợi nhuận biên các NHTM sẽ giảm nhưng phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN là giảm tiếp lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp vực dậy nền kinh tế hiện đang trì trệ.

Thanh Như (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.