10/11/2020 4:45 PM
Gần 10 năm qua, TPHCM không thể làm thủ tục công nhận xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) là xã đảo do cù lao Gò Gia giáp ranh giữa xã Thạnh An và xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị tỉnh Đồng Nai tranh chấp, khiến Chính phủ phải vào cuộc…

Sáng 10/11, HĐND TPHCM đã khai mạc kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số tờ trình của UBND TPHCM, trong đó có tờ trình về công nhận xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) là xã đảo để người dân được hưởng các chính sách quan tâm, chăm lo của nhà nước.

Báo cáo nội dung tờ trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết xã Thạnh An có diện tích tự nhiên 13.131, 18 ha là đảo (vùng nước tự nhiên có nước bao bọc), đáp ứng đủ các tiêu chí là đảo theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Quyết định 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xã Thạnh An hiện có 1.131 hộ dân (750 hộ sản xuất) và 4.512 nhân khẩu; 5% dân cư có thu nhập thuộc diện hộ nghèo.

Toàn xã có địa hình thấp trũng, thường xuyên bị ngập do triều. Xã thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường gây ra trong nhiều năm…

“Từ đặc điểm, vị trí, điều kiện tự nhiên, xã Thạnh An có thể xem là vùng đặc biệt khó khăn của TPHCM. Đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh của xã Thạnh An phù hợp với quy định về đối tượng, tiêu chí, điều kiện công nhận là xã đảo theo QĐ số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” - Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Hàng nghìn người thiệt thòi do TPHCM và Đồng Nai tranh chấp địa giới hành chính  - ảnh 1

Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trình bày tờ trình về công nhận xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) là xã đảo

Đời sống người dân gặp khó khăn, thiệt thòi, cần được nhà nước quan tâm hỗ trợ nhưng vì sao đến thời điểm này TPHCM mới làm thủ tục công nhận xã đảo? Theo Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm, tháng 12/2014, UBND TPHCM đã có Tờ trình số 6979 trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ kèm theo toàn bộ hồ sơ theo quy định, trong đó có Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND TPHCM về thông qua đề nghị công nhận xã Thạnh An là xã đảo.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Liêm cho biết đến ngày 22/1/2015, Bộ Nội vụ có công văn số 504 thẩm định hồ sơ, nêu rõ hồ sơ đề nghị công nhận xã đảo của UBND TPHCM đã đảm bảo hướng dẫn của Bộ.

Tuy nhiên, văn bản của Bộ Nội vụ cho biết sau khi kiểm tra hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai do lịch sử để lại thì tại khu vực cù lao Gò Gia giáp ranh giữa xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) với xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang trong quá trình giải quyết tranh chấp (theo dự án 513). Vì vậy, sau khi giải quyết xong khu vực tranh chấp giữa hai địa phương, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định hồ sơ đề nghị xã đạo nêu trên và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa hai địa phương kéo dài hơn 40 năm qua. Thẩm tra tờ trình của UBND TPHCM, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Phạm Quỳnh Anh cho biết đến ngày 5/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP về việc xác định địa giới hảnh chính giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM tại khu vực cù lao Gò Gia do lịch sử để lại. Trên cơ sở đó, ngày 11/6/2020, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã có biên bản bàn giao hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa trên giấy và dữ liệu dạng số (ghi trên đĩa CD) cấp xã giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Theo đó, khu vực cù lao Gò Gia được xác định thuộc về xã Thanh An (huyện Cần Giờ).

“Căn cứ kết quả xác định ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM tại khu vực cù lao Gò Gia, các quy định pháp luật hiện hành, UBND TPHCM, UBND huyện Cần Giờ và UBND xã Thạnh An lập hồ sơ mới theo các số liệu thực tế tại thời điểm hiện nay để trình HĐND TPHCM thông qua việc đề nghị công nhận xã Thanh An là xã đảo”, bà Phạm Quỳnh Anh cho hay.

Hàng nghìn người thiệt thòi do TPHCM và Đồng Nai tranh chấp địa giới hành chính  - ảnh 2

Một góc xã đảo Thạnh An

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung - nguyên Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM chia sẻ bà may mắn xuống xã nhiều lần để cùng chính quyền địa phương giám sát bầu cử, thực hiện các chính sách y tế, phòng chống dịch bệnh…

“Khóa trước HĐND TPHCM đã có Nghị quyết nhưng do chồng lấn ranh nên chưa được công nhận. Khóa này Chính phủ đã giải quyết tranh chấp. Khi Thạnh An được công nhận là xã đảo, chế độ chính sách của nhà nước chăm sóc cho người dân xã đảo còn nhiều khó khăn, thiệt thòi sẽ tốt hơn” – bà Nhung đánh giá.

Tại kỳ họp, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết đề nghị công nhận xã Thạnh An là xã đảo.

Khu vực cù lao Gò Gia rộng hơn 3.398 ha hiện có hơn 100 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Huy Thịnh (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.