Phối cảnh cảng quốc tế Cần Giờ
UBND TP.HCM mới đây đã ban hành Quyết định về kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển trên địa bàn đến năm 2030. Theo kế hoạch mới ban hành, tầm nhìn đến năm 2030, dự báo tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM và các cảng biển khác trong nhóm cảng biển số 4 khoảng từ 461 đến 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); hành khách từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách.
Để phát triển cảng biển đồng bộ, hiệu quả, TP.HCM sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thủy), hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics … kết nối với hệ thống cảng biển của Thành phố.
Đặc biệt, UBND TP.HCM đề xuất ưu tiên nghiên cứu quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ kết nối đồng bộ với cảng biển mới khu vực Cần Giờ vào quy hoạch chung TP.HCM.
Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy hoạch các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; nghiên cứu quy hoạch, sớm đầu tư cảng container trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.
Tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo của TP.HCM hôm 27/11, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã đề xuất đẩy nhanh việc đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. CMSC nhận định dự án sẽ có đóng góp quan trọng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế không chỉ cho riêng TPHCM mà cả khu vực phía Nam và các vùng lân cận. Theo đánh giá, đây sẽ là công trình hạ tầng giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô lớn tại Việt Nam. Dự án vẫn đang trong quá trình chờ đợi Bộ Giao thông Vận tải xem xét bổ sung vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Trước đó, UBND TP.HCM đã giao Sở kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện, đề xuất phát triển dự án này.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao nghiên cứu, đề xuất phương án cập nhật quy hoạch giao thông đường bộ kết nối với cảng biển khu vực Cần Giờ vào quy hoạch chung TP.HCM.
Sở GTVT nghiên cứu đánh giá tác động của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến quy hoạch; hoạt động của các cảng biển tại khu vực và phân tích, đánh giá lượng hàng thông qua khu bến Cần Giờ, tham vấn ý kiến Bộ GTVT.
Vào cuối tháng 6/2022, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.
Dự án do liên danh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới – Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất.
Việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhằm khai thác tối đa chức năng của cụm cảng biển số 4. Dự án chỉ mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, không cạnh tranh làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có.
-
Đề xuất đầu tư 6 tỉ USD xây cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ có công suất gấp gần 3 lần cảng Cát Lái, với nhiệm vụ bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, không cạnh tranh làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).