Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, làm thất thu ngân sách Nhà nước ,ảnh hưởng đến môi trường, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở ở các dòng sông, suối. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động khai thác cát xây dựng và kiên quyết xử lý nghiêm, nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả…
Khai thác cát trái phép ở đoạn sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum

Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay chỉ có duy nhất một đơn vị xây dựng ở huyện Kon Rẫy được cấp phép hoạt động khai thác cát. Trong khi đó, nhu cầu cát xây dựng vẫn đang tăng hàng ngày, và cũng được cung ứng tương đối đầy đủ. Vậy các nhà thầu xây dựng, người dân xây cất nhà cửa lấy cát từ đâu?

Theo lý giải của một số người, sau khi trúng thầu thi công dự án, xây dựng công trình, các nhà thầu thường xin phép khai thác cát tại các sông, suối ở gần khu vực xây dựng công trình. Nhưng vì thủ tục xin phép khá rắc rối, mất nhiều thời gian, lại tốn kém, trong khi đòi hỏi phải đảm bảo tiến độ thi công nên các nhà thầu thường “xé rào”, khai thác không phép.


Cũng vì sức ép tiến độ công trình và “thông cảm” với khó khăn của nhà thầu nên chính quyền cơ sở dễ dàng “bỏ qua” cho nhà thầu khai thác cát trái phép, không phải đóng thuế, không phải kê khai khối lượng. Được đà, đa số các nhà thầu đổ quân khai thác ồ ạt, tiếng là để phục vụ công trình, dự án nhưng thật ra phần lớn được bán lại cho những đơn vị, cá nhân có nhu cầu để kiếm lời. Với giá cát đang tăng cao ngất ngưởng như hiện nay, mỗi ngày, chỉ cần bán vài chục xe cát thì cũng “bỏ túi” được vài chục triệu đồng mà không phải đóng thuế cho Nhà nước.

Theo một cán bộ Phòng Quản lý khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cho biết, việc cấp phép trong hoạt động khoáng sản còn quá nhiều vướng mắc. Theo Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2005, việc cấp phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lĩnh vực khoáng sản mới được cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để có được giấy phép khai thác, doanh nghiệp phải hoàn thành 24 mục, qua nhiều “cửa” của nhiều ngành, nhiều cấp nên phải mất ít nhất vài tháng.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 29/2008/CT-TTg của Chính phủ còn quy định: Đối với các sông nhánh, ngắn thuộc các tỉnh miền núi, trung du, khối lượng cát, sỏi khai thác của một giấy phép không quá 5.000 m3, thời hạn khai thác của một giấy phép không quá 6 tháng và chỉ thực hiện trong mùa khô... Những “rào cản” đó đã làm các doanh nghiệp muốn hoạt động đúng luật - tức là có giấy phép khai thác thấy “nản” và tìm cách “lách luật” để có cát kịp thời cung cấp cho các dự án, công trình xây dựng. Chỉ tính riêng dòng sông Đăk Bla đoạn qua địa bàn thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), bình quân mỗi này cung cấp khoảng 4.000 khối cát cho các đối tượng khai thác lậu, trong đó có khoảng 80% lượng cát khai thác ở đây cung cấp cho các đơn vị xây dựng ở tỉnh Gia Lai.

Ông Đỗ Kim Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) cho biết: Qua kiểm tra một số công trình thi công lớn trên địa bàn huyện cho thấy hầu hết nhà thầu không chứng minh được nguồn gốc cát, hay nói cách khác là đều khai thác trái phép. Tuy nhiên, không thể đình chỉ thi công công trình hoặc yêu cầu các nhà thầu nộp thuế, vì nếu như vậy thì đồng nghĩa với việc đồng ý để họ khai thác cát trái phép.

Như vậy có thể thấy rằng, bên cạnh một số đối tượng chủ động thực hiện hành vi khai thác cát trái phép, thì chính những vướng mắc, phiền hà trong quy trình xin giấy phép khai thác đã “tạo điều kiện” cho tình trạng khai thác cát trái phép trở nên phổ biến, không chỉ gây thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Nhà nước cần có một cơ chế phù hợp để tạo tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc làm thủ tục khai thác cát phù hợp với qui hoạch đã được phê duyệt đi vào hoạt động ổn định để vừa bảo vệ tài nguyên môi trường, vừa hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước...

Cafeland.vn - Theo Minh Quang (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland