Đó là một thực trạng hiện hữu đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, buộc các ngành chức năng của tỉnh phải nghiêm túc ngồi lại cùng nhau bàn bạc tìm hướng xử lý.

Một nhà dân nằm trong vùng dự án đang chờ giải tỏa tại tỉnh Quảng Nam Ảnh: Lê Phuớc Bình

Tại Công văn số 1049/UBND-KTN ngày 24/2/2022, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn hiện đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong đó, nổi bật nhất là việc trước đây, khi thu hồi đất vườn ao gắn liền với thửa đất ở nhưng không được công nhận là đất ở, UBND tỉnh Quảng Nam quy định việc xác định giá đất vườn ao bằng 50% giá đất ở trong cùng thửa đất để bồi thường.

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định đất vườn ao không được công nhận là đất ở thì thuộc loại đất nông nghiệp. Khi xác định giá đất cụ thể để bồi thường và tính cả hỗ trợ theo quy định đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở thì giá trị thấp nhiều lần so với giá đất ở nên người dân không đồng tình.

Trong khi đó, nếu xác định giá đất cụ thể để bồi thường đất nông nghiệp cao hơn thì vượt khung giá đất quy định. Đây chính là khó khăn cho các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mới đây, tại Công văn số 183/UBND-VP năm 2022, UBND thành phố Tam Kỳ cho biết đã gặp phải vướng mắc về xác định đơn giá bồi thường khi thu hồi đất trồng cây lâu năm (có nguồn gốc từ vườn, ao không được công nhận là đất ở).

Đơn cử, tại dự án khu dân cư, tái định cư khối 4, phường An Sơn có 46/65 hộ thuộc diện giải tỏa trắng đều bị thu hồi đất có vườn, ao. Tuy nhiên, đơn giá bồi thường đất vườn, ao giữa chính sách cũ và mới có sự chênh lệch rất lớn.

Thậm chí có trường hợp, nếu áp dụng theo quy định mới (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND) thì đền bù với mức giá 116.000 đồng/m2, nhưng áp dụng theo quy định cũ thì mức giá đền bù là 2.729.000 đồng/m2, chênh lệch giữa giá đất đền bù theo mức cũ và mức mới lên đến 2.613.000 đồng/m2.

Hay có trường hợp mức giá đền bù theo quy định mới (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND) là 116.000 đồng/m2, nhưng mức giá đền bù theo quy định cũ là 17.905.000 đồng/m2. Trường hợp này, chênh lệch giữa giá đất đền bù theo mức cũ và mức mới chênh lệch đến 17.789.000 đồng/m2.

Giao đất ở tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp: Không còn phù hợp?

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, đất nông nghiệp ở địa bàn vùng ven đô thị, thành phố nằm liền kề các khu dân cư, khu đô thị có giá trị đất ở cao.

Vì vậy, các hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn (trên 700 m2 trở lên) có yêu cầu Nhà nước bố trí đổi lại đất ở tái định cư với diện tích phù hợp (1 hoặc 2 lô tùy thuộc vào diện tích đất nông nghiệp thu hồi).

Trước thực tiễn này, UBND tỉnh có chủ trương cho một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh được giao lại đất ở tái định cư đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn (thu hồi diện tích 700 m2 bố trí lại 01 lô đất ở tái định cư).

Tuy nhiên, hiện nay không phù hợp với quy định của Luật Đất đai hiện hành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù chủ trương thu hồi đất nông nghiệp được giao đất ở tái định cư đã được tạm dừng, nhưng nhiều người dân nằm trong vùng giải tỏa vẫn đang có sự so bì, đòi hỏi phải được áp dụng theo chủ trương này khi thu hồi đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân.

Đây cũng chính là một rào cản rất lớn, ảnh hưởng việc giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư các dự án trên địa bàn tỉnh.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Quang Nam