Theo bảng giá bán của
các đơn vị thuộc Hiệp hội Thép tại Hà Nội ngày 8/2, giá thép cây của
Hòa Phát bán tại các đại lý cấp 1 là 15,64 triệu đồng/tấn, thép Việt Đức
là 15,3 triệu đồng/tấn, thép VIS là 15,7 triệu đồng… Mức giá này vẫn
chưa hề hạ nhiệt, thậm chí một số loại còn tăng từ vài chục đến vài trăm
nghìn đồng/tấn so với trước Tết.
Giảm lợi nhuận để bán hàng
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép
trong nước vẫn ở mức cao là điều đương nhiên, bởi hiện chưa có yếu tố
nào tác động khiến giá giảm. Lãi suất ngân hàng vẫn cao, vốn lưu động vẫn căng, giá điện tăng, giá nguyên vật liệu thế
giới tiếp tục leo thang. Hiện một tấn phôi thép giá CIF nhập từ Nga và
Ukraina về tới Việt Nam có giá 600 – 610 USD/tấn, tăng nhẹ so với thời
điểm tháng 12/2011. Còn phôi thép nhập từ các nước Đông Nam Á cao hơn, ở
mức 650 – 660 USD/tấn. Còn giá sắt thép phế (có tỷ lệ nhập khẩu chiếm
70%) thế giới (nhập từ Mỹ, Tây Âu) hiện ở mức 465 – 468 USD/tấn.
Giá bất động sản đã giảm để bán hàng. Ảnh: L.Quân.
Cùng với thép, giá xi măng cũng tăng suốt từ thời điểm tháng 2 đến tháng 7/2011 và hiện vẫn duy trì ở mức cao. Hiện xi măng Hoàng Thạch bán lẻ tại các đại lý ở Hà Nội có giá 1,5 triệu đồng/tấn loại pooc–lăng PCB30, xi măng Bút Sơn cùng loại giá 1,48 triệu đồng/tấn, xi măng Chinfon 1,45 triệu đồng/tấn…
Lý do nào khiến giá bất động sản liên tục giảm mạnh thời gian qua
trong khi giá nhiều loại nguyên vật liệu xây dựng vẫn tăng? Theo ông Bùi
Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín
(Sacomreal), giá thành và giá bán là hai vấn đề độc lập. Với sản phẩm
nhà, căn hộ, giá các vật liệu xây dựng là giá thành, mức giá này dựa
trên giá vốn nên mức xê dịch thường kém linh động. Còn giá bán ra của
bất động sản dựa vào nhu cầu thị trường, bao gồm cả tỷ lệ phần trăm lợi
nhuận. Ở những thời điểm khó khăn của thị trường, doanh nghiệp địa ốc có
thể thu hẹp, thậm chí cắt bỏ lợi nhuận để hạ giá bán ra của sản phẩm
nhằm bán được hàng.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng, trong thời điểm khó khăn chung, chỉ doanh nghiệp bất động sản là phải chịu thiệt nhiều nhất khi thu hẹp lợi nhuận ở mức tối đa để bán được hàng. Còn các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không chia sẻ được nhiều với khó khăn chung của thị trường. Điều này thể hiện qua việc giá nhiều loại vật liệu xây dựng vẫn liên tục tăng thời gian qua.
Không liên kết làm giá
Tuy nhiên, một lãnh đạo của Công ty bất động sản Viglacera lại cho
rằng, trong kinh doanh nói vậy chưa hẳn đã đúng. Quá trình tạo dựng một
sản phẩm bất động sản thường kéo dài hơn, nên rủi ro cũng nhiều hơn. Các
doanh nghiệp địa ốc phải huy động vốn ngay từ lúc sản phẩm còn trên dự
án hoặc mới làm móng, nếu để lâu mà không bán được hàng thì càng lỗ do
lãi suất vay ngân hàng càng nặng. Do đó để bán được hàng, họ buộc phải
hạ giá sản phẩm tối đa.
Câu hỏi đặt ra là liệu có phải các nhà sản xuất vật liệu xây dựng
đang liên kết với nhau để làm giá? Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Phạm Chí
Cường, hoàn toàn không có khả năng này. Giá công bố của các doanh nghiệp
thép vẫn cao, song thực tế giá bán cho phía doanh nghiệp bất động sản
vẫn được hưởng chiết khấu đáng kể. Đây là chính sách bán hàng của mỗi
nhà sản xuất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp địa ốc. Thời điểm
này nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng đang “sống dở
chết dở” vì sức mua sụt giảm mà nguồn cung nguy cơ dư thừa.
Ngay cả các doanh nghiệp địa ốc cũng phủ nhận việc liên kết làm giá này. Phó tổng giám đốc Sacomreal Bùi Tất Thắng cho rằng, trong thời điểm vật liệu xây dựng cũng tồn đọng, khó bán như hiện này thì các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá để kích cầu. Nếu có đơn vị nào tăng giá, khách hàng sẽ không ưu tiên để mua hàng, nên không có chuyện làm giá.